Trong vòng 18 giờ từ tối 11/3 đến chiều 12/3, ba ứng viên chính cho vị trí tổng thống Mỹ, bao gồm cả Tổng thống đương nhiệm, đã thực hiện những động thái nhằm chứng minh năng lực dẫn dắt đất nước giữa bối cảnh xã hội hỗn loạn và thị trường chứng khoán sụp đổ vì Covid-19.
Từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cấm toàn bộ người từ 26 quốc gia châu Âu đến Mỹ, trong vòng 30 ngày nhằm ngăn nCoV lây lan, nói thêm rằng chính quyền sẽ tung gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp, đồng thời trấn an người dân rằng "đây chỉ là khoảnh khắc nhất thời mà nước Mỹ cũng như thế giới sẽ vượt qua".
Chỉ vài giờ sau, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, đề xuất kế hoạch chi tiết và một loạt mục tiêu về xét nghiệm, tăng cường năng lực cho các bệnh viện và thúc đẩy hoàn thành vaccine ngừa nCoV. "Chủng virus này phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng của chính quyền đương nhiệm. Nỗi sợ hãi trong cộng đồng ngày càng tồi tệ, xuất phát từ sự thiếu tin tưởng vào Tổng thống", Biden nói.
Hai giờ sau bài phát biểu của Biden, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đối thủ của Biden trong đảng Dân chủ, cảnh báo số người Mỹ tử vong vì nCoV có thể vượt số lính Mỹ chết trong Thế chiến II. "Chúng ta có một chính phủ gần như không đủ năng lực. Sự kém cỏi và liều lĩnh của họ đã đe dọa cuộc sống của rất nhiều công dân", ông cho hay.
Theo bình luận viên Lisa Lerer và Reid Epstein của NY Times, tình trạng lây lan nhanh chóng của nCoV đang thách thức thông điệp cốt lõi của Trump rằng bất chấp những tranh cãi về Tổng thống, người Mỹ vẫn được hưởng lợi ích kinh tế tốt hơn so với trước khi ông nhậm chức.
Sự khởi sắc của nền kinh tế luôn là lý do được Trump nêu ra để thuyết phục cử tri bầu cho ông thay vì đứng về phía phe Dân chủ. Tuy nhiên, Covid-19 đang khiến nền kinh tế Mỹ lao đao.
Các chiến lược gia chính trị so sánh Covid-19 với một cơn bão gây ra sự hỗn loạn sâu sắc, có sức ảnh hưởng rộng lớn tới nước Mỹ theo những hướng không thể dự đoán. Họ cho rằng cách ứng phó với cuộc khủng hoảng này có thể mang lại thành công hay làm tan tành sự nghiệp của bất cứ chính trị gia nào.
Biden hiện là ứng viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ sau loạt chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ và nhiều khả năng sẽ đối đầu trực tiếp với Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay, dù năng lực lãnh đạo của ông vẫn bị nghi ngờ.
"Rất nhiều người, không chỉ phe Dân chủ, bắt đầu trông đợi vào Biden và thể hiện sự ủng hộ ông. Đây là bài kiểm tra thực tế ở mức độ nào đó. Dù không nắm quyền lực trong tay, ông ấy vẫn có thể cho người dân thấy 4 năm dưới thời Biden sẽ như thế nào", Addisu Demissie, cựu quản lý chiến dịch tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ Cory Booker, nhận định.
Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng Covid-19 sẽ giúp họ lấy được thêm phiếu từ các cử tri độc lập ôn hòa ở vùng ngoại ô, những người không thích giọng điệu của Trump, nhưng vẫn ủng hộ ông vì nền kinh tế mạnh. Nhóm cử tri này cũng góp công lớn giúp đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện hồi năm 2018, giành lại nhiều ghế tại các bang chiến trường.
Các cử tri ở vùng nông thôn cũng có thể bị lung lay. Những người này khả năng cao sẽ bầu cho đảng Cộng hòa, nhưng có thể đổi ý khi Covid-19 ảnh hưởng tới lợi ích của họ, đặc biệt là nông dân và công nhân dầu mỏ vốn đang chịu tổn thất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Covid-19 dường như không tác động lớn đến các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa. Theo cuộc thăm dò tuần trước của Đại học Quinnipiac, khoảng 6/10 cử tri Cộng hòa trên toàn quốc cho biết họ không quá lo ngại ảnh hưởng của nCoV tới đời sống. Trong khi đó, số cử tri Dân chủ tỏ ra lo lắng về dịch nhiều gấp đôi.
Dưới sự lãnh đạo của Trump, phần lớn phe Cộng hòa đang cố gắng xoa dịu nỗi lo về dịch bệnh và đổ lỗi cho đảng Dân chủ, cũng như giới truyền thông vì chỉ tập trung vào sự chết chóc. "Một điều báo chí không đưa là số ca đã bình phục. Mọi người bây giờ đều đang nghe về những cái chết. Đó rõ ràng là điều khủng khiếp, nhưng mặt còn lại của vấn đề là phần lớn người nhiễm nCoV vẫn sống sót", thượng nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson cho hay.
Chính quyền Trump gần đây cũng tích cực hành động và truyền thông điệp tới công chúng, như việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 13/3. Tuy nhiên, giới chức y tế thường xuyên phải cải chính những phát ngôn của Tổng thống về dịch bệnh. Việc ba thành viên phái đoàn Brazil từng tiếp xúc gần với ông nhiễm nCoV cũng làm dấy lên những hoài nghi.
Vào thời điểm này những năm bầu cử trước, các ứng viên tổng thống thường di chuyển khắp đất nước, kêu gọi ủng hộ tại các cuộc vận động lớn. Tuy nhiên, họ giờ đây phải tìm cách vận động từ xa trong lúc Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Cả Biden và Sanders đều hủy những sự kiện đông người, đồng thời cho phép nhân viên trong chiến dịch tranh cử làm việc ở nhà.
Một số nhà tài trợ, cũng như người ủng hộ Biden, dường như đang âm thầm lo lắng về tác động của Covid-19 đối với những sự kiện sắp tới. Lịch trình của cựu phó tổng thống Mỹ tại Chicago và Miami được chuyển thành "những sự kiện trực tuyến" trước thềm bầu cử sơ bộ ở bang Arizona, Illinois, Florida và Ohio.
Trump được cho là cũng tạm dừng vô thời hạn tất cả sự kiện liên quan đến chiến dịch tranh cử. Các bình luận viên của NY Times cho rằng việc này sẽ khiến ông bị tước vũ khí chính trị quan trọng khi vận động sự ủng hộ từ người dân.
Ngoài các cuộc vận động tranh cử, Covid-19 còn khiến gần như mọi cơ chế liên quan đến bầu cử trở nên mơ hồ. Giới chức Arizona, Ohio và Illinois đang vật lộn để chuyển địa điểm bầu cử khỏi các viện dưỡng lão, dù quá trình bỏ phiếu sớm đang diễn ra. Cuộc tranh luận nội bộ của các ứng viên đảng Dân chủ cũng được chuyển từ Phoenix đến thủ đô Washington DC nhằm hạn chế di chuyển. Nhiều sự kiện chính trị bị hủy bỏ.
Trong bối cảnh nCoV ngăn cản mọi tiếp xúc xã hội, nhiều câu hỏi khác cũng được đặt ra, như chính trị gia sẽ tương tác với cử tri thế nào, làm sao để tập hợp các nhân viên phục vụ chiến dịch tranh cử trong một phòng, hay liệu các tình nguyện viên có thể đi gõ cửa nhà dân để vận động tại những khu vực dịch bệnh nghiêm trọng hay không. Thêm vào đó, việc vận động tranh cử qua mạng còn gây lo ngại về bảo mật thông tin và nguy cơ gián điệp.
Vẫn chưa thể xác định Covid-19 còn kéo dài bao lâu, hay những hệ quả của nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử và tâm lý cử tri thế nào. "Cuộc bầu cử vẫn còn chặng đường dài", Corry Bliss, chiến lược gia của đảng Cộng hòa, cho hay, gợi nhắc rằng tháng trước mọi người vẫn cho rằng nỗ lực xem xét bãi nhiệm Trump là yếu tố duy nhất có thể "đảo chiều" cuộc bầu cử, nhưng cục diện giờ đây đã thay đổi.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, CNN)