Chiều 19/5, sau khi dự lễ khánh thành đập Qiz Qalasi được Iran và Azerbaijan xây trên sông Aras ở biên giới hai nước, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng các quan chức, cận vệ trong đoàn tháp tùng lên trực thăng để đến thành phố Tabriz, trung tâm kinh tế lớn nhất của tỉnh Đông Azerbaijan.
Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cùng một số quan chức cấp tỉnh lên trực thăng Bell 212 của Mỹ, trong khi các thành viên khác trong đoàn lên hai trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất. Đây đều là hai mẫu trực thăng được Iran vận hành trong nhiều năm qua để chở các quan chức di chuyển nội địa.
Giới quan sát nhận định Tổng thống Raisi và phái đoàn chọn trực thăng Bell 212 để di chuyển vì nó êm, tiện nghi và ít ồn hơn so với dòng Mi-171 của Nga, dù nó đã được Iran vận hành trong gần nửa thế kỷ.
Hình ảnh trên truyền hình Iran ngày 19/5 cho thấy Tổng thống Raisi ngồi cạnh Ngoại trưởng Amir-Abdollahian trên trực thăng đang bay qua một con đập. Nội thất trực thăng được bọc da, ghế đệm cỡ lớn giúp hành khách có thể ngồi thoải mái trong chặng bay dài.
Tuy nhiên, trực thăng này đột nhiên mất liên lạc khi bay qua khu vực nhiều sương mù ở rừng Dizmar, giữa hai thành phố Varzaqan và Jolfa. Giáo sĩ Mohammad Ali Ale-Hashem, người ngồi cùng trực thăng với Tổng thống Raisi, sau đó gọi điện cho Chánh văn phòng Tổng thống Gholam Hossein Esmail để thông báo rằng phi cơ đã rơi.
Hai trực thăng Mi-171 bay cùng đoàn đã vòng lại để tìm kiếm nhưng không phát hiện được gì vì sương mù dày đặc. Iran phát động chiến dịch tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn và phát hiện xác trực thăng vào sáng hôm sau, toàn bộ 9 người trên khoang thiệt mạng.
Bell 212 là trực thăng được Iran mua của Mỹ từ trước khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979. Vua Iran Mohammad Reza Pahlavi, người bị lật đổ trong Cách mạng Hồi giáo, yêu thích bay lượn và là phi công có trình độ. Ông Pahlavi thường mặc đồng phục Nguyên soái Lực lượng Không quân Đế quốc Iran (IIAF) và đã đầu tư vào quân chủng này nhiều hơn tất cả các nhánh khác của lực lượng vũ trang.
Dưới triều đại của ông, Iran đã mua rất nhiều máy bay và là quốc gia duy nhất trên thế giới ngoài Mỹ vận hành tiêm kích F-14 Tomcat do Washington sản xuất.
Vào cuối những năm 1970, Vua Pahlavi đặt mua hơn 300 trực thăng Bell 212 và 214 với ý định tiến tới sản xuất các dòng phi cơ này tại Iran, song Cách mạng Hồi giáo đã khiến kế hoạch này đình trệ. Tuy nhiên, Tehran khi đó đã nhận được phần lớn số trực thăng Bell mà nước này đặt hàng.
Các lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ áp đặt sau đó với chính quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran khiến những phi cơ do phương Tây sản xuất trong biên chế không quân nước này nhanh chóng bị hư hỏng do không có linh kiện sửa chữa.
Dù vậy, Iran vẫn tiếp tục vận hành một ít máy bay dạng này bằng cách tháo dỡ những chiếc có sẵn để lấy linh kiện, sao chép một số bộ phận khác hoặc nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc. Tehran cũng mua nhiều loại vũ khí, thiết bị của Moskva và Bắc Kinh, trong đó có dòng Mi-171 được sản xuất năm 1992.
Báo cáo năm 2024 của chuyên trang Flight Global cho biết Tehran hiện còn ít nhất hai trực thăng Bell 212 trong biên chế, dù chúng đã có tuổi thọ 45 năm.
Tùy vào cấu hình, trực thăng Bell-212 có thể chở theo hai phi công và tối đa 14 hành khách. Kể từ khi ra mắt vào năm 1968, Bell 212 và các biến thể của nó đã trở thành phương tiện chính của nhiều lực lượng dân sự và quân sự trên thế giới.
Tuy nhiên, Aviation Safety cũng đã ghi nhận tổng cộng 430 vụ tai nạn liên quan dòng Bell 212, trong đó có nhiều vụ gây chết người. Một trong đó xảy ra tại Biển Bắc vào tháng 9/1986, khi một trực thăng cứu hộ Bell-212 của Scotland bị rơi trong lúc làm nhiệm vụ, khiến toàn bộ phi hành đoàn 6 người thiệt mạng.
Ngoài vấn đề về bảo dưỡng, bảo trì, trực thăng Bell 212 đời cũ của Iran còn có nhược điểm là được thiết kế để hoạt động trong điều kiện bay trực quan, nghĩa là phi công phải dùng mắt thường để quan sát xung quanh khi điều khiển phi cơ, thay vì dựa vào các công cụ hỗ trợ như trên nhiều dòng trực thăng hiện đại.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, do tại khu vực phi cơ chở Tổng thống Raisi bị rơi hôm 19/5 có sương mù dày đặc, gây ảnh hưởng tầm nhìn của phi công.
Máy bay xuống cấp, hư hỏng do tuổi đời cao và thiếu linh kiện sửa chữa vì lệnh cấm vận của phương Tây là một trong các nguyên nhân khiến Iran có số liệu an toàn hàng không kém.
Al Jazeera cho biết gần 2.000 người Iran đã thiệt mạng do tai nạn máy bay kể từ năm 1979, trong khi thống kê của Aviation Safety cho thấy đã có tổng cộng 22 sự cố hàng không gây chết người tại quốc gia này trong hơn 20 năm qua.
Vụ trực thăng chở Tổng thống Raisi rơi là sự cố hàng không nghiêm trọng nhất ở Iran kể từ năm 2003, khi vận tải cơ Il-76MD do Nga chế tạo và chở các thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đâm vào dãy núi gần thành phố Kerman do ảnh hưởng của gió mạnh, khiến 275 người thiệt mạng.
"Vào giây phút cuối cùng, những người chịu trách nhiệm cho chuyến bay có lẽ đã cảm thấy hối hận vì bỏ qua Mi-171 để chọn mẫu trực thăng của Mỹ, vốn đã bay tại Iran hơn 45 năm mà không có sự hỗ trợ của nhà sản xuất", chuyên trang Charter 97 nhận định.
Phạm Giang (Theo Charter 97, Euronews, News18)