Ba quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên hôm qua tiết lộ chính phủ nước này đang xem xét một số điều kiện được đưa ra để mặc cả, nhằm đổi lấy việc Ankara đồng ý cho NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.
Ankara khẳng định bất cứ nước nào xin gia nhập NATO đều phải công nhận lo ngại của nước này với các nhóm dân quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq.
Đây là một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong nội bộ NATO, bởi các nước thành viên đều coi đảng Công nhân người Kurd (PKK) là tổ chức khủng bố trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ủng hộ và cung cấp vũ khí cho dân quân người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan công khai lên án PKK cùng các nhóm vũ trang liên quan trước khi hai nước này được gia nhập NATO. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng liệt PKK vào danh sách tổ chức khủng bố là chưa đủ và Helsinki, Stockholm cần hành động nhiều hơn để trấn áp những người ủng hộ PKK đang sinh sống ở Phần Lan và Thụy Điển.
Ba quan chức giấu tên nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn được tham gia trở lại chương trình tiêm kích tàng hình F-35, cũng như đặt mua thêm hàng chục tiêm kích F-16 và gói nâng cấp từ Mỹ.
Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 như một biện pháp trừng phạt sau khi nước này mua tên lửa S-400 từ Nga. Các quan chức cho biết Ankara sẽ yêu cầu Washington gỡ bỏ lệnh cấm vận liên quan đến hợp đồng S-400 để đồng ý với đơn xin gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu.
Thụy Điển và Phần Lan hôm nay sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bất ngờ đe dọa ngăn NATO kết nạp hai nước Bắc Âu, đồng thời cáo buộc họ chứa chấp các nhóm người Kurd bị Ankara coi là khủng bố.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định liên minh sẽ "dang rộng tay chào đón" Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Erdogan là phản ứng bất đồng đầu tiên trong NATO trước triển vọng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự.
Khi một quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO, họ cần được toàn bộ 30 nước trong liên minh phê chuẩn theo nguyên tắc đồng thuận. Nếu vấp phải sự phản đối của một nước thành viên, cánh cửa vào NATO sẽ khép lại với Phần Lan và Thụy Điển.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/5 bày tỏ tin tưởng Thụy Điển và Phần Lan sẽ gia nhập NATO bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu dự kiến gặp ông Blinken tại Mỹ ngày 18/5 và sẽ nêu các ý kiến phản đối của Anakra trong hội đàm.
Vũ Anh (Theo Bloomberg)