Sau giai đoạn cai trị Afghanistan từ năm 1995 đến 2001, chế độ Taliban bị lật đổ khi Mỹ đưa quân vào hỗ trợ Liên minh phương Bắc nổi dậy và giành quyền lực. Nhóm phiến quân rút vào hoạt động bí mật, âm thầm xây dựng lực lượng và chờ ngày phản công.
Trong 20 năm qua, Mỹ đã đổ hàng nghìn tỷ USD vào Afghanistan, xây dựng một lực lượng quân sự đông đảo được trang bị hiện đại, với mục tiêu xóa sổ Taliban và xây dựng một "nền dân chủ lâu dài" tại quốc gia này.
Bất chấp những cuộc tấn công dữ dội bằng các phương pháp tác chiến hiện đại từ một siêu cường, Taliban không những vẫn tồn tại, mà giờ đây còn tái xuất mạnh mẽ, giành quyền kiểm soát phần lớn vùng nông thôn Afghanistan và chiếm được ngày càng nhiều tỉnh lỵ với đà tiến công như chẻ tre.
Theo Majid Ansari, giám đốc Học viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế Qatar, Taliban vẫn duy trì sức mạnh một phần do các lực lượng nước ngoài chiếm đóng không giải quyết được các các vấn đề căn cơ về kinh tế xã hội ở Afghanistan, tạo ra nỗi bất bình trong dân chúng, giúp Taliban trỗi dậy và duy trì vị thế trong nước.
"Vấn đề với Afghanistan là ngay cả sau khi Mỹ đến để thúc đẩy các điều kiện cho nền dân chủ, những nguyên nhân gốc rễ ban đầu của cuộc giao tranh chưa bao giờ được giải quyết. Chừng nào luận điệu của Taliban về cuộc chiến chống lại lực lượng nước ngoài chiếm đóng còn tồn tại, nhóm này luôn có cớ và khả năng tuyển mộ thành viên ở vùng nông thôn", Obaidullah Baheer, giảng viên tại Đại học Mỹ ở Kabul, nêu quan điểm tương tự.
Taliban tuyên bố chiến đấu chống lại các lực lượng chiếm đóng để giải phóng Afghanistan, nhưng vẫn tăng cường đà tiến công nhắm vào chính quyền trung ương ngay cả khi Mỹ đã tuyên bố rút quân. Lực lượng nổi dậy lâu nay giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ vùng nông thôn, nơi ngày càng nghèo đói trong 20 năm Mỹ hiện diện, khi chính quyền trung ương dồn mọi nguồn lực cho khu vực thành thị.
Giới chuyên gia tại khu vực được cho là đều đồng tình rằng khả năng lãnh đạo yếu kém và nạn tham nhũng trong chính phủ Afghanistan, xuất phát từ những chính sách thất bại của liên minh do Mỹ dẫn đầu, cũng gia tăng sức mạnh cho Taliban. "Tất cả đều góp phần vào khả năng trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan", Baheer nói.
Gần đây, Taliban bắt đầu tấn công các khu đô thị và chiếm đóng nhiều thành phố quan trọng, đồng thời bao vây những thành phố như Kandahar, nơi chủ yếu là người thuộc sắc tộc Pashtun và từng báo trước sự sụp đổ của chế độ Taliban ở Afghanistan vào năm 2001. Phần đông thành viên của Taliban là người Pashtun.
"Rất nhiều động lực đã thay đổi trong 20 năm qua. Bên cạnh việc giữ vững sự ủng hộ trong cộng đồng người Pashtun, Taliban còn thu được lợi thế ở cả miền bắc và các khu vực phía nam Afghanistan", Ansari cho hay. Miền bắc Afghanistan từng là thành trì chống Taliban 20 năm trước, nhưng các thành phố ở đây đang liên tiếp lọt vào tay phiến quân.
Cuộc càn quét của Taliban khắp miền bắc Afghanistan gần đây dường như cũng cho thấy nhóm phiến quân đã mở rộng quyền lực đến những nơi người Pashtun không chiếm ưu thế.
"Tôi e rằng cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu vào Afghanistan đã không thiết lập được một chính phủ bền vững có thể đại diện cho nhu cầu, nguyện vọng của toàn thể người dân Afghanistan", Ansari nhận định.
Theo ông, các lực lượng địa phương ở miền bắc Afghanistan đã dự đoán về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chính quyền trung ương sau khi Mỹ rút quân, nên nhu cầu cấp bách của họ là phải liên minh với Taliban để tồn tại. Thêm vào đó, họ dường như không có lý do gì để chiến đấu vì một chính phủ và các chính trị gia mà họ cho rằng tham nhũng tràn lan.
"Taliban chỉ mạnh vì Tổng thống Ashraf Ghani và chính phủ Afghanistan yếu kém", Kamal Alam, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định. Alam đang ở tỉnh Panjshir phía bắc Afghanistan cùng Ahmad Massoud, con trai của cố lãnh đạo Liên minh phương Bắc Ahmad Shah Massoud, đồng thời là một chính trị gia.
Alam tin rằng những người như Ahmad Massoud mới có khả năng dẫn dắt người dân Afghanistan thoát khỏi sự cai trị của Taliban. "Tổng thống Ghani đã từ bỏ miền bắc", ông nói. "Ngay cả ở phía tây, Ismail Khan, một thành viên chủ chốt của Liên minh phương Bắc, cũng phàn nàn rằng chính quyền trung ương không giúp được gì".
Trong cuộc họp báo hôm 7/8, Tổng thống Ghani cho biết chính phủ sẽ cải cách hệ thống tư pháp đầy tham nhũng của đất nước. Tuy nhiên, đây có lẽ không phải điều người dân quan tâm khi thủ phủ các tỉnh đang lần lượt rơi vào tay Taliban.
Trong khi đó, chính phủ Afghanistan cố không thừa nhận những chiến thắng này của Taliban dù nhóm phiến quân được cho là đã kiểm soát 65% lãnh thổ Afghanistan. Họ vẫn tuyên bố sẽ giành lại các khu vực bị Taliban chiếm, dù chưa có bất cứ chiến dịch phản công lớn nào được tổ chức.
Tương tự nhiều nhà phân tích khác, Baheer đánh giá ngoài sức mạnh vốn có của Taliban, đà tiến công dữ dội của nhóm này liên quan chặt chẽ đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. "Bản chất vô điều kiện của đợt rút quân khiến Taliban nghĩ rằng họ đã thắng Mỹ, nên có rất nhiều động lực chiến đấu với quân chính phủ", Baheer nhận định.
Mặt khác, chính phủ Afghanistan dường như tin tưởng vào cuộc đàm phán giữa Mỹ với Taliban và "chưa bao giờ sẵn sàng cho một chiến dịch tấn công dữ dội đến mức như vậy", Baheer nói.
Cũng theo Baheer, việc các lực lượng nước ngoài rút quân một cách thiếu tính toán kỹ lưỡng ở những quốc gia mong manh như Afghanistan có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Đợt rút quân của Mỹ dường như đang tạo ra những điều kiện hoàn hảo cho Taliban kiểm soát toàn bộ đất nước, dù nhóm này bị đánh giá thiếu liên kết và không có hệ thống chỉ huy quân sự chặt chẽ.
"Taliban vốn là những người Afghanistan nên nắm rất rõ về các động lực chính trị, xã hội và địa phương. Nhóm này còn nhận thức được tầm quan trọng về địa lý và chiến lược của các khu vực, tương tác với người địa phương và dễ dàng chiếm được lòng tin của họ", Obaid Ali, nhà phân tích chính trị thuộc nhóm Mạng lưới Nhà phân tích Afghanistan, cho biết.
Những thất bại của chính phủ, tệ nạn tham nhũng và "con ông cháu cha" trong chính quyền càng khiến người dân Afghanistan ủng hộ Taliban. Kết quả là nhóm phiến quân đã thiết lập được cấu trúc chính trị thay thế tại các địa phương, hình thành "hệ thống chính quyền ngầm", với cam kết giải quyết những nỗi bức xúc của người dân, Ali cho hay.
"Những điều này vốn tồn tại suốt thời gian dài. Taliban đã hành động rất nhiều để chiếm lòng tin của người dân địa phương, từ đó gia tăng sức mạnh và thuyết phục được người dân hợp tác, hỗ trợ các mục tiêu trong khu vực của nhóm phiến quân", Ali nhận xét.
Ánh Ngọc (Theo TRT)