Taliban, nhóm theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống với đa số thành viên là người thuộc sắc tộc Pashtun, nổi lên từ những năm 1990 với chiến dịch quân sự bắt đầu từ phía nam Afghanistan. Tuy nhiên, ngay cả khi chiếm được thủ đô Kabul vào năm 1996, Taliban vẫn không thể kiểm soát được toàn lãnh thổ Afghanistan, do vấp phải sự chống trả quyết liệt từ những nhóm dân quân ở miền bắc, gọi là Liên minh phương Bắc.
Sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan lật đổ chế độ Taliban năm 2001 và đưa Liên minh phương Bắc lên nắm quyền, nhóm phiến quân rút vào hoạt động bí mật, âm thầm xây dựng lực lượng và chờ ngày phản công. Để đặt nền móng cho chiến dịch quân sự hiện tại, Taliban những năm qua theo đuổi chiến lược tuyển thành viên từ các nước láng giềng phía bắc Afghanistan, bao gồm Tajikistan và Uzbekistan.
Những tân binh này không hài lòng với sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Afghanistan, đồng thời bức xúc với các lãnh đạo Liên minh phương Bắc vì tham nhũng và "thông đồng với sự chiếm đóng của Mỹ".
Với việc chiếm được 5 thành phố phía bắc chỉ trong 4 ngày và giành quyền kiểm soát phần lớn vùng nông thôn của Afghanistan kể từ tháng 5, chiến lược tuyển mộ của Taliban dường như đã thành công. Giờ đây, giới chuyên gia cảnh báo nếu Taliban kiểm soát được miền bắc, Afghanistan có nguy cơ hoàn toàn rơi vào tay nhóm nổi dậy này.
"Miền bắc là khu vực chiến lược đối với Taliban, bởi họ tin rằng nếu chiếm được những vùng không phải của người Pashtun này, việc kiểm soát miền nam và thủ đô Kabul có thể trở nên dễ dàng", Ramish Salemi, nhà phân tích chính trị tại Kabul, nhận định.
Hôm 9/8, Taliban tiếp tục tiến sâu hơn vào Kunduz, trung tâm kinh tế quan trọng vừa chiếm được, đồng thời đụng độ lực lượng chính phủ ở ngoại ô Mazar-i-Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh và là một thành phố chủ chốt khác tại miền bắc. Nhóm phiến quân cũng tràn qua Aybak, thủ phủ của tỉnh Samangan nằm trên trục cao tốc chính nối Kabul với các tỉnh phía bắc.
Những chiến thắng quan trọng của Taliban tại các đô thị chiến lược làm gia tăng nỗi lo sợ lực lượng nổi dậy có thể bao vây Kabul, phá vỡ những hy vọng cuối cùng của người Afghanistan rằng quân chính phủ bằng cách nào đó có thể đảo ngược tình thế. "Đất nước đang trở lại những năm 1990. Chúng tôi đang trong một cuộc nội chiến khác", Noor Agha, một người sơ tán từ Kunduz đến Kabul, cho biết.
Giữa tình thế bất lợi, chính phủ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vẫn từ chối thừa nhận việc để mất thủ phủ nhiều tỉnh, mà tập trung đề cập đến số tay súng Taliban bị tiêu diệt và một số chiến thắng cục bộ, như đẩy lùi Taliban khỏi thành phố Baghlan phía bắc. Tuy nhiên, thông điệp này dường như không thể trấn an những người dân đang hoảng loạn.
"Chúng tôi bây giờ thậm chí không thể tin chính phủ sẽ bảo vệ được mình. Nếu tôi không cầm vũ khí, điều gì sẽ xảy ra với đất nước?", Agha đặt câu hỏi.
Hàng nghìn cư dân phía bắc đã phải rời bỏ nhà cửa, đứng nhiều giờ trên những chuyến xe chật ních để thoát khỏi đà tiến công nhanh chóng của Taliban. Họ lo sợ viễn cảnh phải sống dưới sự cai trị hà khắc của nhóm phiến quân, hoặc nguy cơ xảy ra một trận chiến thảm khốc nếu lực lượng chính phủ nỗ lực giành lại các thành phố.
Hơn một tháng qua, Sayed Mohammad Alizada, cư dân thành phố Kunduz, đều thức dậy trong tiếng súng không ngớt. Một quả đạn cối từng rơi bên ngoài nhà của anh. Người đàn ông 40 tuổi cuối cùng rời đi hôm 8/8, vài giờ sau khi Taliban chiếm thành phố.
"Tôi nghĩ nếu họ tiếp tục nã súng cối, tôi có thể mất cả gia đình, thậm chí là tính mạng của bản thân. Đây là trận giao tranh dữ dội nhất chúng tôi từng chứng kiến", Alizada cho hay. Vào thời điểm anh rời Kunduz, thành phố gần như không thể nhận ra. Các tòa nhà đầy lỗ đạn, đường phố bị tàn phá vì đạn cối.
Nhà Alizada nằm trong số hơn 6.000 gia đình phải sơ tán khỏi Kunduz kể từ khi Taliban chiếm thành phố, theo Mohammad Yousef Khadam, người phụ trách các tình huống khẩn cấp tại cơ quan tị nạn và hồi hương Kunduz. Nhiều người đã đến Kabul, nơi một sân bóng rổ có hàng rào bao quanh tại công viên trung tâm đã được cải tạo thành trại tị nạn.
Khi đoàn người đến nơi vào tối 8/8, họ tìm kiếm bất cứ không gian nào có thể trú tạm. Phụ nữ và trẻ em ngủ cạnh nhau trên một tấm thảm. Một bà mẹ bế đứa bé sơ sinh khẩn cầu tìm bác sĩ, bởi con gái của cô bị ốm sau một đêm ngủ giữa công viên lạnh giá.
"Nếu ở lại, có lẽ tất cả chúng tôi đã chết", Fariba, một người mới đến khu trại, cho biết. Ban đầu, người phụ nữ 35 tuổi này cho rằng quân chính phủ sẽ nắm lợi thế trong cuộc chiến tại Kunduz, nhưng khi đạn pháo rơi ngày càng dày đặc xung quanh nhà vài ngày gần đây, gia đình cô quyết định đi sơ tán.
"Số người tới đây sẽ tăng lên", Abdul Qadir Toryalay Momeen, một người bán thịt ở Kunduz, đề cập đến trại tị nạn. Momeen rời thành phố hôm 8/8, sau khi một con trai của anh bị thương vì đạn lạc và mất một tay. Cậu bé 7 tuổi đang được điều trị tại bệnh viện nhi ở Kabul, sau hành trình 12 giờ trên xe.
Momeen cho biết đây đã là lần thứ ba họ phải sơ tán. Lần đầu tiên vào năm 2015, khi Taliban chiếm được Kunduz trong khoảng thời gian ngắn, tiếp đó là hồi 2016, thời điểm Taliban tái chiếm thành phố. Lực lượng chính phủ Afghanistan đã đẩy lùi quân nổi dậy trong cả hai lần này, với sự hỗ trợ từ máy bay không người lái Mỹ. Tuy nhiên, Momeen lo sợ gia đình anh sẽ không bao giờ còn được trở về quê hương.
Các lãnh đạo quân đội Afghanistan hôm 8/8 thề đánh đuổi Taliban khỏi Kunduz. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực lượng nổi dậy không ngừng tấn công và đầy hưng phấn sau những chiến thắng gần đây, quân đội chính phủ đến tối 9/8 vẫn chưa thể bắt đầu chiến dịch. Thay vào đó, phiến quân Taliban đã tiến gần sân bay của Kunduz, khu vực cuối cùng mà quân chính phủ kiểm soát ở ngoại ô thành phố.
Giữa lúc chưa có đợt phản công đáng kể nào, những con đường tiếp tế cho lực lượng chính phủ Afghanistan lại bị cắt đứt, khiến các thành phố và khu vực mà họ kiểm soát ngày càng bị cô lập. Giờ đây, chính phủ Afghanistan được cho là phải quyết định nên dồn quân bảo vệ những vùng họ đang kiểm soát, bao gồm thủ đô Kabul, hay cố gắng giành lại các thành phố đã thất thủ.
Không quân Mỹ đã không còn tiến hành các cuộc không kích yểm trợ lực lượng quân đội Afghanistan, sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu đang trong giai đoạn rút quân cuối cùng. Hôm 8/8, khi quay cuồng đối phó Taliban, các binh sĩ Afghanistan nhận ra rằng lực lượng Mỹ sẽ không đến cứu họ.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)