Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 4/7 đánh giá kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra đại dương của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
"Việc xả thải dần dần, có kiểm soát này sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường", IAEA cho biết, thêm rằng quyết định cuối cùng tùy thuộc Tokyo.
Theo Nikkei, chính phủ Nhật có thể bắt đầu xả nước thải từ nhà máy Fukushima sớm nhất vào tháng 8 theo lộ trình đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản năm 2019 tuyên bố "không có lựa chọn nào khác", khi không gian xung quanh nhà máy không còn chỗ để chứa nước thải phóng xạ.
Nhưng đánh giá của IAEA vẫn không thể xua tan nỗi lo và những tranh cãi của ngư dân địa phương, các nước láng giềng, cũng như giới chuyên gia về mức độ an toàn của nguồn nước thải phóng xạ được xả ra biển.
Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến ba lõi lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tan chảy, giải phóng lượng lớn phóng xạ vào môi trường xung quanh. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, phải sử dụng lượng lớn nước để làm mát lò phản ứng và thu gom chúng trong các bể chứa trong khuôn viên nhà máy.
TEPCO đã xây hơn 1.000 bể khổng lồ chứa 1,32 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng, đủ lấp đầy hơn 500 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Nhưng TEPCO giờ đây không còn đất để xây thêm bể chứa. Họ cũng cần giải phóng không gian để tiến hành tháo dỡ nhà máy an toàn. TEPCO cho biết nước thải phóng xạ có một số thành phần nguy hiểm, nhưng chúng đều có thể được tách khỏi nước.
Vấn đề thực sự của nước thải từ nhà máy Fukushima là tritium, một dạng phóng xạ của hydrogen (H) rất khó để tách khỏi nước. Tritium có chu kỳ bán rã 12,3 năm, nên việc lưu trữ chúng trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn rò rỉ mất kiểm soát, trong khi chưa có công nghệ nào có thể loại bỏ hoàn toàn tritium còn sót lại từ lượng nước lớn như vậy.
Chính phủ Nhật Bản và IAEA cho biết nước phóng xạ từ Fukushima sẽ được pha loãng triệt để và xả từ từ ra đại dương trong nhiều thập kỷ. Nhật Bản xác định nồng độ tritium trong nước thải sẽ là dưới 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 Bq/l đối với nước uống.
Tokyo không lên kế hoạch xả tất cả nước thải cùng lúc. Theo lịch trình, chỉ 0,06 g tritium được xả vào Thái Bình Dương mỗi năm, qua một cống ngầm hướng ra biển. IAEA sẽ là bên giám sát quá trình xả thải này.
IAEA và nhiều cơ quan khác cho hay các nhà máy hạt nhân trên thế giới đều xả nước thải qua xử lý có hàm lượng tritium thấp một cách thường xuyên và an toàn, lập luận rằng tritium tồn tại ở tự nhiên, trong nước biển, nước máy, thậm chí trong cơ thể con người.
Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ (NRC) xác nhận "gần như toàn bộ" các nhà máy hạt nhân ở nước này đều xả nước thải có hàm lượng phóng xạ thấp qua đường thủy.
Dù vậy, đánh giá của IAEA và Nhật gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới chuyên gia, khi một số học giả cho rằng nước thải chứa tritium vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tim Mousseau, giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Nam Carolina, Mỹ, cho hay chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về tác động của tritium đối với môi trường và thực phẩm, dù xả nước thải chứa phóng xạ là hoạt động phổ biến của các nhà máy trên thế giới.
Ủy ban An toàn Hạt nhân Canada cho biết tritium quá yếu để xâm nhập vào da, nhưng thừa nhận nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu được hấp thụ với "lượng cực lớn". Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ cũng thừa nhận "bất kỳ phơi nhiễm phóng xạ nào đều có thể gây một số rủi ro sức khỏe", nhưng thêm rằng "ai cũng tiếp xúc với một lượng nhỏ tritium mỗi ngày".
Trong khi đó, Robert H. Richmond, giám đốc Phòng thí nghiệm biển Kewalo tại Đại học Hawaii, nhận định kế hoạch xả thải là "thiếu khôn ngoan và chưa đủ độ chín". Ông Richmond là thành viên nhóm học giả quốc tế làm việc cùng Diễn đàn Các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) để đánh giá kế hoạch xả thải của Tokyo.
Ông cho hay pha loãng nước thải chứa tritium có thể không đủ để giảm thiểu tác động lên sinh vật biển. Tritium có thể xâm nhập vào nhiều tầng của chuỗi thức ăn như thực vật, động vật và vi khuẩn, tích tụ trong hệ sinh thái biển.
"Các đại dương trên thế giới đang phải chịu rất nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu, axit hóa, ô nhiễm, đánh bắt quá mức. Mọi người cần ngừng đối xử với biển như một bãi rác", Richmond nói.
Các chuyên gia lo ngại những rủi ro tiềm tàng từ động thái xả thải của Nhật sẽ ảnh hưởng tới các khu vực khác trên thế giới. Một nghiên cứu năm 2012 của nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học Mỹ đã tìm ra bằng chứng phát hiện cá ngừ vây xanh nhiễm tritium ở Fukushima đã vượt Thái Bình Dương tới vùng biển ngoài khơi California, Mỹ.
Trong khi Mỹ, đảo Đài Loan ủng hộ quyết định xả thải của Nhật Bản, nhiều nước láng giềng đã phản ứng quyết liệt.
Trung Quốc cho rằng đánh giá của IAEA "không phải bằng chứng hợp lý và hợp pháp", cảnh báo Tokyo sẽ gánh mọi hậu quả nếu vẫn quyết xả nước phóng xạ ra biển. "Thái Bình Dương không phải cái cống của Nhật Bản để xả nước thải hạt nhân", một quan chức cấp cao Trung Quốc nói hồi tháng 3.
Tổng thư ký Diễn đàn Các quốc đảo Thái Bình Dương Meg Taylor hồi đầu năm cũng bày tỏ "những lo ngại nghiêm trọng" và cho rằng cần có thêm dữ liệu trước khi cấp phép bất kỳ hoạt động xả thải nào ra đại dương. "Chúng tôi nợ con cháu lời đảm bảo về tương lai an toàn", ông viết.
Đảng cầm quyền Hàn Quốc tuyên bố tôn trọng đánh giá của IAEA, song nhiều người Hàn Quốc đã tích trữ muối và hải sản do lo ngại tác động từ kế hoạch xả thải của Nhật Bản.
Giá muối biển ở Hàn Quốc tăng vọt trong thời gian gần. Một số người cho biết đã tích trữ rong biển, cá cơm và muối đủ dùng cho ba năm. Người Hàn Quốc cũng tổ chức một số cuộc biểu tình phản đối quyết định xả nước phóng xạ của Nhật.
Dư luận Nhật Bản cũng chia rẽ về động thái này. Khảo sát hồi tháng 3 của Asahi cho thấy 51% trong số hơn 1.300 người được hỏi ủng hộ việc xả nước thải, trong khi 41% phản đối. Người Tokyo cũng từng xuống đường phản đối kế hoạch này hồi đầu năm.
Trong khi đó, ngư dân Fukushima, nơi thảm họa xảy ra, là những người đầu tiên chỉ trích kế hoạch. Hoạt động đánh cá của họ đã bị đình chỉ trong nhiều năm sau khủng hoảng. Các quốc gia khác cũng áp đặt các hạn chế nhập khẩu hải sản từ khu vực này.
Nhiều năm sau thảm họa, khi nguồn nước và cá ở tỉnh này được đánh giá về mức an toàn, niềm tin của khách hàng khó có thể được khôi phục hoàn toàn. Các ngư dân Fukushima cho biết quyết định xả thải có thể một lần nữa làm tổn hại đến sinh kế cũng như danh tiếng của tỉnh.
"Có vẻ như giới chức đã đưa ra quyết định mà không có sự đồng ý từ chúng tôi", một ngư dân địa phương nói.
Đức Trung (Theo CNN)