"Là một người mẹ đang nuôi hai con nhỏ, tôi không thể ngồi im và không làm gì. Tôi muốn cho chúng ăn một cách an toàn", Lee Young-min, 38 tuổi, nói trong lúc làm súp rong biển tại nhà ở Seongnam, phía nam thủ đô Seoul.
Lee là một trong những người Hàn Quốc đang lo ngại về tác động từ kế hoạch xả thải nước phóng xạ của Nhật Bản đến môi trường biển và hải sản. Họ đang tăng cường tích trữ muối và ngày càng tiêu thụ ít hải sản hơn.
"Tôi sợ rằng nước thải sẽ làm ô nhiễm đại dương, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe và còn đẩy giá muối, hải sản", bà Park Young-sil, 67 tuổi, cho biết khi đang đi chợ ở Seoul.
Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng. Ba lõi lò phản ứng tan chảy, giải phóng lượng lớn phóng xạ vào môi trường xung quanh. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng trong tai nạn.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản dự đoán không còn sức chứa và quyết định lên kế hoạch xả dần dần nước thải đã qua xử lý xuống biển. Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản dự kiến phê duyệt tiến hành dự án trong năm 2023.
Nước thải phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Dù tritium độc hại, nó vẫn tồn tại trong tự nhiên và các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Nhật Bản gần đây đã hoàn tất xây dựng đường ống ngầm để xả nước thải ra đại dương trong 30 năm. TEPCO ngày 12/6 thông báo bắt đầu thử nghiệm đường ống, sử dụng nước sạch. Thử nghiệm dự kiến hoàn tất cuối tuần này.
Kế hoạch xả thải gây tranh cãi cả với người dân địa phương và cộng đồng quốc tế, dấy lên lo ngại về tác động lên hệ sinh thái và sức khỏe con người. Kết quả một khảo sát gần đây do tờ Hanbook Ilbo của Hàn Quốc và Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho thấy 84% người Hàn Quốc phản đối kế hoạch.
"Tôi đã mua lượng lớn muối từ năm ngoái", Yang Soo-kyung, một quản gia ở Seoul, trả lời khi được hỏi bà có ý định tích trữ muối hay không. "Tôi mua trước vì lo ngại cho Kimjang năm nay". Kimjang là giai đoạn làm kimchi chuẩn bị cho mùa đông hàng năm, sử dụng muối để rửa rau củ.
Theo Yang, mọi người còn thận trọng hơn khi ăn cá. "Tôi nghĩ họ không còn mua cá nhiều nữa, đặc biệt là các loài cá ở vùng nước sâu", bà bổ sung.
Làn sóng tích trữ muối đã đẩy giá mặt hàng này tại Hàn Quốc trong tháng 6 tăng 27% so với hai tháng trước đó, dù giới chức cho rằng thời tiết và sản lượng giảm mới là nguyên nhân chính.
Chính phủ xả kho dự trữ khoảng 400 tấn muối, với giá chiết khấu 20% so với thị trường, thông qua các chuỗi cửa hàng và chợ truyền thống từ ngày 29/6 đến 11/7, Thứ trưởng Ngư nghiệp và Đại dương Hàn Quốc Song Sang-keun nói ngày 28/6.
Các cơ quan về ngư nghiệp Hàn Quốc thông báo sẽ theo dõi sát sao các ruộng muối để xem mức độ nhiễm xạ có tăng hay không. Seoul trước đó đã áp lệnh cấm với hải sản đánh bắt từ các vùng biển gần Fukushima, bờ đông Nhật Bản.
Trung Quốc lên án Nhật Bản, cáo buộc kế hoạch xả thải thiếu minh bạch, đe dọa môi trường biển và sức khỏe người dân thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định đã cung cấp các thông tin chi tiết và lý giải dựa trên cơ sở khoa học cho các nước láng giềng. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuần trước cho biết nước này nhận thấy kế hoạch đang ngày càng được thấu hiểu.
"Tôi đến mua muối nhưng không còn gì. Lần trước tôi đến cũng vậy", Kim Myung-ok, 73 tuổi, đứng cạnh các kệ hàng trống rỗng trong siêu thị, nói. "Kế hoạch xả thải đáng lo ngại. Chúng tôi đã già, sống đủ rồi nhưng tôi lo cho lũ trẻ".
Trong khi đó, một số người Hàn Quốc cho rằng các lo ngại chỉ đang bị thổi phồng và sẽ sớm bị lãng quên. Lee Yoon-jae làm tại cửa hàng đồ khô của cha ở chợ Gwangjang, Seoul. Anh cho biết thông tin về kế hoạch của Nhật Bản không ảnh hưởng nhiều đến giá rong biển sấy khô và muối tại cửa hàng.
"Nước là một trong những tài nguyên cơ bản nhất và bạn sẽ cảm thấy sợ hãi nếu nghĩ nước bị nhiễm độc", Lee nói. "Nhưng đã có bằng chứng khoa học rằng nước sẽ an toàn. Tôi hy vọng mọi người sẽ tin điều đó".
Như Tâm (Theo Reuters, NPR)