Trước khi chính quyền mới tại Afghanistan được công bố, Mullah Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban kiêm đồng sáng lập phong trào, được cho là ứng cử viên hàng đầu cho ghế lãnh đạo. Ông là bạn bè thân thiết và được gọi là "người anh em" của Mohammad Omar, lãnh đạo đầu tiên của Taliban.
Sau cái chết của Omar, Baradar được coi là lãnh đạo trên thực tế của Taliban, giữ chức thứ trưởng quốc phòng trong giai đoạn lực lượng này điều hành Afghanistan năm 1996 - 2001. Sau khi Taliban bị lật đổ, Baradar trở thành chỉ huy quân sự cấp cao, phụ trách các chiến dịch tấn công vào lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu.
Baradar cũng là một trong những người nổi bật nhất tại các cuộc đàm phán với Washington. Với vai trò trưởng đoàn đàm phán Taliban, Baradar từng điện đàm với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Washington và Taliban ký thỏa thuận hòa bình tại Doha hồi tháng 3/2020.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo tại thủ đô Kabul hôm 7/9, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid cho hay Mohammad Hassan Akhund, người đứng đầu Rehbari Shura, cơ quan ra quyết định quyền lực của Taliban, sẽ giữ chức thủ tướng lâm thời, còn Baradar sẽ là Phó thủ tướng lâm thời.
Quyết định bổ nhiệm Akhund dẫn dắt chính quyền mới tại Afghanistan dường như là hệ quả của những bất đồng trong nội bộ Taliban. Ali Olomi, nhà sử học về Trung Đông và Hồi giáo tại Đại học Bang Pennsylvania của Mỹ, cho biết Baradar có xích mích với Mạng lưới Haqqani, nhóm Hồi giáo phụ trách ngoại giao cho Taliban những năm gần đây và giúp phong trào nhận được ủng hộ từ các lực lượng địa phương khác.
Trong khi Haqqani là một trong những bộ phận thiện chiến nhất của Taliban, Baradar gần đây lại đưa ra giọng điệu hòa giải về nhiều vấn đề như quyền lợi của phụ nữ, hợp tác với cộng đồng quốc tế, hay ân xá cho các thành viên thuộc chính phủ cũ của Afghanistan. Những quan điểm này đối lập với hệ tư tưởng của Mạng lưới Haqqani, Olomi giải thích.
Theo một số nguồn tin, Baradar và Mạng lưới Haqqani còn bất đồng về cách đối phó phong trào kháng chiến tại thung lũng Panjshir, thành trì cuối cùng tập hợp những người phản đối Taliban sau khi nhóm này giành quyền kiểm soát hầu hết Afghanistan.
Akhund, một trong những người sáng lập Taliban, dường như là ứng viên nổi bật để đảm nhiệm vai trò dung hòa giữa những người ủng hộ Baradar và Mạng lưới Haqqani. Cùng với việc Baradar được chỉ định làm cấp phó của Akhund, hai thành viên thuộc Mạng lưới Haqqani cũng giữ các vị trí cấp cao, sau khi Taliban nhiều lần trì hoãn tuyên bố thành lập chính quyền mới.
"Vẫn chưa rõ sự sắp xếp này là cố định hay tạm thời. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp có thể là phép thử của Taliban đối với năng lực của Akhund trong tư cách người thống nhất phong trào", Olomi nhận định.
Hai thập kỷ qua, Akhund đã dẫn dắt Rehbari Shura, hội đồng lãnh đạo đóng vai trò như nội các giúp điều hành mọi công việc của Taliban, đồng thời duy trì quan hệ thân thiết với Hibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tôn giáo tối cao của phong trào.
Nhà sử học Olomi cho biết hiện nay Taliban nhìn chung có hai phe, bao gồm nhánh quân sự phụ trách các chiến dịch hàng ngày và nhóm tôn giáo bảo thủ gắn bó với chủ nghĩa Hồi giáo thuần túy, hay còn gọi là Deobandi, đóng vai trò như nhánh chính trị.
Akhund được cho là rất gần gũi với nhóm tôn giáo bảo thủ. Theo nguồn tin từ các chỉ huy Taliban giấu tên am hiểu vấn đề, chính Akhundzada đã đề xuất Akhund giữ chức Thủ tướng lâm thời.
"Akhund đã lãnh đạo Rehbari Shura trong 20 năm qua và tạo dựng được uy tín rất tốt. Ông ấy giống lãnh đạo về tôn giáo hơn là quân sự, nổi tiếng nhờ phẩm chất và lòng mộ đạo", một chỉ huy của Taliban trả lời báo chí.
Theo Olomi, việc Taliban chỉ định Akhund làm lãnh đạo chính quyền mới có thể giúp báo hiệu về tương lai Afghanistan, dựa trên các sắc lệnh ông từng đưa ra vào những năm 1990 như cấm phụ nữ đi học, hay quy định nghiêm ngặt về trang phục tôn giáo.
"Bất chấp giọng điệu hòa giải của Taliban, tôi tin chúng ta có khả năng lại chứng kiến một số quy định từng được áp dụng khi Taliban nắm quyền trước đây", Olomi nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Conversation, Hindustan Times)