Sau gần một tháng tiếp quản thủ đô Kabul, Taliban ngày 7/9 công bố chính phủ lâm thời trong một buổi họp báo quốc tế, với những cái tên được xướng lên không xa lạ gì với giới chức tình báo, an ninh phương Tây.
"Tiểu vương quốc Hồi giáo đã quyết định bổ nhiệm và công bố nội các lâm thời để thực hiện các công việc cần thiết của chính phủ", phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid, nói trong buổi họp báo. Ông thêm rằng đây mới chỉ là một chính phủ "lâm thời" với 33 thành viên, các vị trí khác sẽ được bổ sung sau quá trình cân nhắc và Taliban sẽ "cố gắng bổ nhiệm thêm người từ những phần khác của đất nước".
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là không có bất cứ phụ nữ nào trong nội các của Taliban. Phần lớn những người còn lại đều là những quan chức trong chế độ cầm quyền hà khắc của Taliban cách đây hai thập kỷ.
Mohammad Hassan Akhund được bổ nhiệm là Thủ tướng lâm thời. Ông hiện đứng đầu cơ quan ra quyết định quyền lực của Taliban, tức Rehbari Shura hay hội đồng lãnh đạo, đồng thời là một trong những người sáng lập Taliban.
Thủ tướng lâm thời Akhund, được cho là ngoài 60 tuổi, đến từ Kandahar, nơi khai sinh Taliban, từng giữ chức ngoại trưởng, sau đó là phó thủ tướng khi Taliban cai trị Afghanistan giai đoạn 1996-2001.
Ông này có tên trong danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc, được mô tả là "trợ lý thân cận và cố vấn chính trị" của Mohammad Omar, lãnh đạo đầu tiên của Taliban. Là lãnh đạo hội đồng Rehbari Shura, Akhund có thể có nhiều ảnh hưởng với các vấn đề quân sự của Taliban.
Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị Taliban, sẽ là Phó thủ tướng lâm thời. Ông này từng là bạn bè thân thiết và được gọi là "người anh em" của Omar.
Baradar từng giữ chức thứ trưởng quốc phòng khi Taliban cai trị Afghanistan thập niên 1990. Sau khi Taliban sụp đổ năm 2001, Baradar trở thành một chỉ huy quân sự cấp cao của Taliban, phụ trách các chiến dịch tấn công vào lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu, theo một lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Baradar bị bắt và cầm tù ở Pakistan năm 2010, nhưng được trả tự do năm 2018 và trở thành một trong những người quan trọng nhất của Taliban trong quá trình đàm phán hòa bình với Mỹ.
Sirajuddin Haqqani, con trai người sáng lập Mạng lưới Haqqani, được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Nội vụ. Mạng lưới Haqqani là nhánh vũ trang có vai trò quan trọng trong lực lượng Taliban.
Nhóm có căn cứ tại biên giới Pakistan, từng bị cáo buộc gây ra một số vụ tấn công quân sự ở Afghanistan trong những năm gần đây. Sirajuddin Haqqani đang bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã. Mỹ liệt Mạng lưới Haqqani vào danh sách khủng bố vì những mối liên hệ mật thiết giữa nhóm này và al-Qaeda.
Mohammad Yaqoob, con trai Omar, được chỉ định làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Hedayatullah Badri sẽ đảm nhận vị trí quyền Bộ trưởng Tài chính và Amir Khan Muttaqi, một nhà đàm phán của Taliban ở Doha, nhận chức quyền Ngoại trưởng.
Theo bình luận viên Charles Stratford của Al Jazeera, chính phủ mới của Taliban toàn là đàn ông, phần lớn là những "gương mặt cũ". "Cũng cần phải nói rằng đa phần những cái tên đều là người Pashtun, cho thấy yếu tố đa dạng sắc tộc không được cân nhắc đến", ông đánh giá.
Chính phủ mới của Taliban cũng không có gương mặt nào từ cộng đồng thiểu số Hazara theo dòng Hồi giáo Shiite, bất chấp họ từng nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền Afghanistan trước và chiếm hơn 1/5 dân số quốc gia. Điều này trái với lời hứa mà Taliban đưa ra rằng sẽ xây dựng một chính phủ "bao trùm" thể hiện được tính đa dạng sắc tộc của Afghanistan, giới chuyên gia nhận định.
"Người Hazara là nhóm dân tộc có trình độ học vấn cao nhất và hoạt động chính trị tích cực nhất", Obaidullah Baheer, giảng viên tại Đại học Mỹ của Afghanistan, cho hay. Theo ông, nếu muốn duy trì ổn định chính trị và tạo dựng một nhà nước bền vững, Taliban "thực sự cần dùng người Hazara".
Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, lãnh tụ tối cao Taliban Haibatullah Akhunzada khẳng định chính phủ mới sẽ hướng tới duy trì luật Hồi giáo Sharia. "Tôi đảm bảo rằng bộ máy lãnh đạo mới sẽ nỗ lực để duy trì các quy tắc Hồi giáo và luật Sharia trên toàn đất nước", ông nói.
Phản ứng trước động thái từ phía Taliban, Mỹ cho biết họ quan ngại về "các liên kết và hồ sơ" của một số người được nêu tên trong chính phủ.
"Chúng tôi cũng nhắc lại kỳ vọng của mình rằng Taliban sẽ đảm bảo lãnh thổ Afghanistan sẽ không bị sử dụng để đe dọa bất kỳ quốc gia nào và cho phép hỗ trợ nhân đạo tiếp cận đất nước nhằm giúp đỡ người dân", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Chưa chính phủ nước ngoài nào công nhận Taliban, dù Nga, Trung Quốc, Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan vẫn giữ đại sứ quán của họ tại thủ đô Kabul, Afghanistan, sau khi hầu hết các phái bộ phương Tây đều đã đóng cửa tháng trước.
Những năm 1990, chỉ có ba quốc gia công nhận chính quyền Taliban ở Kabul là Pakistan, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Giới chức Mỹ cũng phát đi tín hiệu rằng họ không vội vàng bình thường hóa quan hệ với những nhà cầm quyền mới của Afghanistan mà muốn chờ đợi để đánh giá thêm tình hình. Việc Taliban công bố chính phủ mới với những gương mặt cũ, phần lớn là những người theo đường lối cứng rắn, không phải tín hiệu tốt, một quan chức Mỹ từng tham gia đàm phán với Taliban nhận xét.
Việc bổ nhiệm Haqqani làm Bộ trưởng Nội vụ đặc biệt cho thấy "Taliban không quan tâm tới những lo ngại từ cộng đồng quốc tế", Asfandyar Mir, chuyên gia về các phong trào Hồi giáo tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế Đại học Stanford, đánh giá. "Họ đang truyền đi thông điệp rằng thế giới phải làm theo cách của chúng tôi".
Với nguồn ngoại tệ dự trữ của chính phủ bị đóng băng và việc Afghanistan lâu nay vẫn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Taliban cần được cộng đồng quốc tế công nhận để cho phép các nguồn tiền tiếp tục chảy. Tuy nhiên, danh sách thành viên chính phủ mới rõ ràng không giúp ích gì cho điều này, theo Guardian.
Thay vào đó, nó dường như được thiết kế chủ yếu để ngăn nguy cơ rạn nứt bên trong chính quyền sau nhiều tuần tranh cãi về việc chia sẻ quyền lực, Haroun Rahimi, giáo sư luật tại Đại học Mỹ của Afghanistan, đánh giá.
"Nó không giúp tạo dựng tính hợp pháp ở trong nước, không giúp cho Taliban được công nhận trên trường quốc tế và cũng sẽ không giúp chính phủ hoạt động trơn tru hơn", ông nói, chỉ ra rằng một số bộ trưởng thậm chí không có chuyên môn trong lĩnh vực của họ.
"Vì thế, tôi phải kết luận rằng lý do duy nhất họ chọn danh sách này là để đảm bảo sẽ không có chia rẽ nội bộ", Rahimi cho biết.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, Al Jazeera, WSJ)