Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết ung thư vùng đầu và cổ là những khối u ác tính ở vùng đầu và cổ như miệng, mũi, họng, thanh quản - hạ họng và các xoang. Bệnh xảy ra ở nam nhiều hơn nữ, đặc biệt khi trên 50 tuổi, với 4 yếu tố nguy cơ sau:
Thường xuyên uống rượu, bia
Nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra uống quá nhiều rượu ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần. Lý do, thức uống có cồn tấn công và làm tổn thương các tế bào vùng khoang miệng, hầu họng. Nguy cơ ung thư tăng cao hơn khi vừa uống rượu, vừa hút thuốc.
Viện Ung thư Quốc gia Mỹ đã nghiên cứu mức tiêu thụ rượu và nguy cơ ung thư. Cơ quan này xếp mức thấp là uống hai ly hoặc ít hơn trong một ngày đối với nam giới; một ly hoặc ít hơn trong một ngày đối với phụ nữ. Mức cao tức là uống 4 ly trở lên một ngày hoặc 8 ly trở mỗi tuần đối với phụ nữ, 5 ly một ngày hoặc 15 ly trở lên mỗi tuần đối với nam giới. Nằm giữa hai mức trên là mức trung bình.
Người uống rượu mức trung bình có nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng cao gấp 1,8 lần; nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 1,4 lần so với người không uống. Người tiêu thụ nhiều rượu có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng và hầu cao gấp 5 lần; với ung thư thanh quản là gấp 2,6 lần. Người hút thuốc và uống rượu nhiều có thể tăng khả năng mắc ung thư cao gấp 100 lần.
Hút thuốc lá
Thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có nhiều chất độc hại có thể gây ra đột biến tế bào và dẫn đến ung thư. Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư đầu hoặc cổ cao gấp đến 35 lần so với người không hút thuốc.
Khói thuốc gây viêm, tổn thương các vùng tiếp xúc như miệng, xoang mũi, hầu họng, lâu dần phát triển thành khối u ác tính. Người hít khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh nhân ung thư hút thuốc, tiên lượng điều trị thường thấp hơn người bệnh bỏ thuốc hoặc không hút thuốc.
Nhiễm HPV
Nhiễm HPV gây ra những thay đổi trong các tế bào của của hầu và thanh quản, tiến triển ung thư sau nhiều năm. Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Anh, nhiễm HPV gây ra 70% số ca ung thư vòm họng và 1% ung thư khoang miệng. Nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy thanh quản cao hơn 5,4 lần ở những người bị nhiễm HPV. Nguy cơ ung thư thanh quản cao hơn đối với HPV 16.
Tiếp xúc hóa chất
Những hóa chất độc hại như amiăng, niken, benzen, Formaldehyde (có trong cao su, nhựa đường, sơn, bụi gỗ) cũng làm tăng rất cao khả năng xuất hiện ung thư vòm họng, ung thư thanh quản và ung thư xoang mặt. Lý do, hóa chất gây tổn thương và viêm nhiễm, khiến tế bào phân chia nhanh hơn làm tăng khả năng xảy ra đột biến.
Viện Nghiên cứu Ung thư Anh ước tính 0,4% ung thư thanh quản liên quan đến việc tiếp xúc với amiăng trong nghề nghiệp. 10% nam giới ung thư vòm họng và khoảng 2% phụ nữ tiếp xúc với bụi gỗ trong quá trình làm việc.
Phòng bệnh ung thư đầu và cổ thế nào?
Để phòng bệnh, bác sĩ Khương khuyến cáo mọi người cần tiêm vaccine HPV đúng lịch, đủ mũi. Lối sống, sinh hoạt nên lành mạnh, vệ sinh như: kiêng thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn. Không dùng chung đồ dùng cá nhân, hạn chế quan hệ tình dục không an toàn hoặc quan hệ bằng đường miệng để tránh lây nhiễm virus gây bệnh.
Trong đó, tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả hơn 90%. Bác sĩ Khương dẫn nghiên cứu cho thấy vaccine HPV giúp giảm 54% nguy cơ ung thư ở nam giới.
Vaccine HPV hiện có loại tiêm cho nam giới 9-45 tuổi. Trong đó, trẻ 9-14 tuổi cần tiêm hai mũi vaccine cách nhau 6 tháng, người 15-45 tuổi cần ba mũi trong vòng 6 tháng, không yêu cầu xét nghiệm khi tiêm chủng.
Mộc Thảo