Lực lượng Houthi ở Yemen ngày 26/1 tuyên bố phóng tên lửa đánh trúng tàu dầu Marlin Luanda của Anh trên vịnh Aden và khiến con tàu bốc cháy. Quân đội Mỹ sau đó xác nhận tàu Marlin Luanda treo cờ Quần đảo Marshall bị hư hại do tên lửa, nhưng không ghi nhận thương vong.
"Lực lượng vũ trang Yemen sẽ tiếp tục chiến dịch tập kích tàu có liên hệ với Israel trên Biển Đỏ và biển Arab tới khi nào chiến dịch nhằm vào Gaza chấm dứt, thực phẩm và thuốc men được chuyển tới đây", Yahya Saree, phát ngôn viên Houthi, nói.
8 giờ sau đó, Mỹ tiến hành không kích phá hủy một bệ tên lửa chống hạm của Houthi ở Yemen đang chuẩn bị khai hỏa vào mục tiêu trên Biển Đỏ, Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho hay. Đây là đòn tấn công mới nhất của Mỹ từ khi nước này và Anh phát động chiến dịch trả đũa sau khi Houthi tấn công nhiều tàu hàng đi qua Biển Đỏ và eo Bab-el-Mandeb.
"Xét riêng trên sức mạnh quân sự, Mỹ và các đồng minh sẽ không gặp vấn đề nào trong việc xóa sổ Houthi, lực lượng đang tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ", Michael Peck, biên tập viên của Business Insider, nhận định. "Tuy nhiên, sau nhiều đòn không kích của Mỹ, Houthi vẫn có thể tiếp tục phóng tên lửa, làm gián đoạn tuyến vận tải và chuỗi cung ứng toàn cầu qua Biển Đỏ".
Theo Peck, Mỹ đã nhận ra họ có rất ít lựa chọn hiệu quả để ngăn Houthi tập kích tàu hàng. Các đợt tấn công liên tục của Mỹ và Anh, đôi khi đánh chìm xuồng cao tốc của Houthi, dường như không thể ngăn cản được hoạt động của lực lượng này.
"Houthi không phải lực lượng quân sự chính quy hùng hậu và họ cũng không cần trở thành như vậy", Peck cho biết. "Houthi có ba lợi thế giúp tăng khả năng gây thiệt hại và khiến phương Tây gặp khó khăn trong ngăn chặn lực lượng này".
Lợi thế đầu tiên đến từ vị trí địa lý. Tuyến đường ngắn nhất cho tàu hàng từ châu Âu và bờ đông nước Mỹ tới Ấn Độ Dương và Đông Á là qua kênh đào Suez ở Ai Cập, nối giữa Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Theo ước tính, có tới 15% lượng hàng hóa trên thế giới đi qua tuyến đường này.
Trong Thế chiến I và II, nhiều quốc gia đụng độ dữ dội tại khu vực này để kiểm soát tuyến đường qua kênh đào Suez. Tuyến đường này cũng dễ bị ách tắc khi có sự cố xảy ra, gần đây nhất là vụ tàu container Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez vào tháng 3/2021 khiến luồng hàng hóa toàn cầu bị ách tắc nhiều tuần.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không đến từ kênh đào Suez, thay vào đó là mối đe dọa từ các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng đi qua Biển Đỏ và eo biển Bab-el-Mandeb, giáp bờ tây của Yemen.
Eo biển này dài hơn 110 km và rộng hơn 30 km, nằm trọn trong tầm bắn của nhiều loại tên lửa diệt hạm, máy bay không người lái (UAV) và thậm chí là pháo tầm xa trên đất liền.
"Yếu tố đóng vai trò lớn nhất để bảo vệ một con tàu là không gian rộng mở, không phải là hệ thống vũ khí hay tổ hợp gây nhiễu", biên tập viên Peck giải thích. "Một tàu sân bay khổng lồ cũng khó bị phát hiện giữa đại dương bao la, còn radar chỉ thị mục tiêu trên tên lửa diệt hạm chỉ quét được khu vực rất nhỏ".
Eo biển Bab-el-Mandeb chỉ rộng hơn 30 km, đồng nghĩa việc mọi con tàu đi qua đây đều bị radar trên đất liền theo dõi, thậm chí xuồng cao tốc, UAV cỡ nhỏ hoặc mắt thường cũng có thể phát hiện được chúng.
Lợi thế tiếp theo đến từ công nghệ vũ khí. Tên lửa diệt hạm có khả năng gây thiệt hại rất lớn và đủ đơn giản để một nhóm vũ trang có thể vận hành. UAV có giá rất rẻ và một phương tiện cỡ nhỏ cũng có thể gây thiệt hại cho một con tàu lớn.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, lực lượng Houthi có kho tên lửa hành trình diệt hạm đa dạng với tầm bắn 120-800 km, nhiều mẫu trong số này đến từ Iran và một số tên lửa cũ hơn do Liên Xô và Trung Quốc phát triển. Ngoài ra, Houthi còn sở hữu tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm bắn khoảng 480 km do Iran chế tạo cùng nhiều loại UAV.
Lực lượng Houthi dùng bệ di động để phóng những loại tên lửa hoặc UAV nói trên, sau đó nhanh chóng đưa chúng ra chỗ khác. Họ có thể phóng một tên lửa rồi rút lui trước khi hải quân Mỹ xác định chính xác vị trí khai hỏa và tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk.
Sau 9 năm giao tranh với liên quân do Arab Saudi dẫn đầu, Houthi đã thành thục chiến thuật này để đối phó với những trận không kích liên tiếp từ đối phương.
Lợi thế cuối cùng đến từ chính trị. Lực lượng Houthi tuyên bố chỉ tập kích các tàu của Israel để bày tỏ đoàn kết với người Palestine tại Dải Gaza, dù nhiều phương tiện không liên quan gì đến nước này.
Theo Peck, dù Houthi không hoạt động theo chỉ đạo trực tiếp của Iran, họ vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tehran. Những hỗ trợ này không chỉ bao gồm vũ khí và tiền bạc, các tàu trinh sát của Iran trong khu vực còn có thể cung cấp cho Houthi thông tin về những phương tiện di chuyển trên Biển Đỏ.
"Hỗ trợ từ Iran có thể giúp Houthi duy trì hoạt động vô thời hạn", Peck cho biết. "Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Houthi, như việc Mỹ đưa nhóm này trở lại danh sách khủng bố, dường như không có hiệu quả khi họ vẫn nhận được hậu thuẫn từ Iran".
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Houthi bất khả chiến bại, biên tập viên này nhận định. "Các đòn tập kích nhằm vào nền tảng quân sự và giám sát của Houthi, thậm chí nhằm vào lãnh đạo lực lượng, có thể tạo ra khác biệt", Peck dự đoán. "Thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt nội chiến tại Yemen đang trên bàn đàm phán có khả năng khiến Houthi thay đổi cách thức hoạt động của mình".
Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, Reuters)