Lầu Năm Góc ngày 9/2 thông báo triển khai khoảng 1.700 lính thuộc sư đoàn dù số 82 tới Ba Lan, trong khi 300 quân được điều tới Đức. Khoảng 1.000 binh sĩ đang đồn trú tại Đức được điều chuyển tới Romania, bổ sung cho lực lượng khoảng 900 người đang đóng tại sườn đông NATO, ngay sát nách Nga.
Giới chuyên gia nhận định Mỹ thường sử dụng các đợt chuyển quân để phát đi thông điệp đối ngoại, quân sự quan trọng. Hoạt động tăng cường lực lượng tới sườn đông NATO trong bối cảnh căng thẳng biên giới Nga - Ukraine leo thang được cho là nhằm mục đích trấn an đồng minh châu Âu và phát tín hiệu cảnh báo tới Moskva.
"Dù Mỹ lúc này không gây chiến và sẽ không khơi mào xung đột, họ vẫn có thể cho các bên biết rằng họ đã đầu tư cho sức mạnh quân sự tại châu Âu", Melanie Sisson, chuyên gia nghiên cứu hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài thuộc Viện Brookings có trụ sở tại Washington, nói.
Sisson nhận định những đợt chuyển quân trong lịch sử, dù có quy mô nhỏ, đều làm tăng cơ hội thành công cho các chính sách đối ngoại của Mỹ. Sisson cho rằng Lầu Năm Góc chọn điều động 3.000 quân tại châu Âu là quyết định đúng đắn, do triển khai quá nhiều quân có thể khiến tình hình leo thang. Đây cũng là quân số thấp hơn rất nhiều so với những gì Mỹ cần để tham chiến tại Ukraine.
Mark Cancian, cựu sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ và cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định động thái này của Washington cũng sẽ góp phần trấn an các đồng minh ở Trung Âu và Đông Âu.
"Dù lực lượng Nga nếu có động binh cũng sẽ không tiến xa về phía tây như vậy, các đồng minh sườn đông châu Âu của Mỹ muốn được đảm bảo rằng NATO sẽ hỗ trợ họ khi khủng hoảng nổ ra", Cancian nói.
Một lý do khác khiến Mỹ quyết định điều thêm quân tới châu Âu là chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tạo khác biệt với thái độ coi thường NATO của người tiền nhiệm Donald Trump, chuyên gia này nhận định.
"Chính quyền Biden đang cố gắng chứng tỏ rằng họ gần gũi các đồng minh, tin tưởng vào an ninh tập thể và không áp dụng chính sách gây tổn hại uy tín của NATO như thời Trump", Cancian nói.
Các chuyên gia khẳng định dù triển khai thêm lực lượng tới châu Âu, Mỹ rất khó có khả năng tung quân tham chiến nếu xảy ra xung đột liên quan đến Ukraine. Tổng thống Biden và các quan chức dưới quyền nhiều lần tuyên bố binh sĩ Mỹ sẽ không trực tiếp tham gia chiến đấu tại Ukraine. Quốc gia Đông Âu này không phải thành viên NATO và Mỹ không nghĩa vụ phải bảo vệ Ukraine.
"Đợt điều quân chắc chắn là thông điệp trấn an đồng minh phía đông châu Âu và cảnh báo Putin. Mỹ không có ý định sử dụng lực lượng này cho nhiệm vụ chiến đấu", Cancian nói.
Mỹ triển khai lực lượng thường trực ở châu Âu sau khi Thế chiến II kết thúc. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng điều hơn 400.000 lính tới Tây Âu với mục đích răn đe Liên Xô.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ giảm dần hiện diện quân sự ở châu Âu. Nước này đang bố trí khoảng 70.000 binh sĩ đóng quân thường trực tại châu lục, khoảng một nửa trong số này được triển khai tại các căn cứ ở Đức.
Ngoài các đơn vị thường trực, khoảng 7.000 binh sĩ Mỹ được triển khai luân phiên ngắn hạn tới châu Âu trong nhiệm vụ hỗ trợ NATO mang tên Atlantic Resolve, đóng quân tại Poznan, Ba Lan. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman cũng đang hoạt động ở Địa Trung Hải từ tháng 12/2021 để trấn an đồng minh châu Âu.
Tại Ukraine, Mỹ duy trì hiện diện quân sự tối thiểu, bao gồm các tùy viên quân sự và binh sĩ thủy quân lục chiến tại đại sứ quán ở Kiev. Khoảng 150 thành viên Vệ binh Quốc gia bang Florida đang ở miền tây Ukraine trong đợt huấn luyện quân đội nước sở tại theo kế hoạch.
Điều thêm quân tới châu Âu và các khu vực xung quanh chỉ là một phần trong phản ứng của Mỹ đối với tình hình căng thẳng hiện tại liên quan đến vấn đề Ukraine. Nhà Trắng đang nỗ lực thúc đẩy chính sách ngoại giao, đồng thời để ngỏ khả năng sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva nếu Nga tấn công nước láng giềng.
Nguyễn Tiến (Theo NPR)