Trong cuộc phỏng vấn được đăng ngày 6/2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay nước này đã có "đóng góp quan trọng" khi phụ trách một nhóm tác chiến đa quốc gia của NATO triển khai đến Litva, đồng thời xem xét bổ sung quân cho lực lượng này.
"Về mặt nguyên tắc, chúng tôi luôn có sẵn quân để tăng cường và đang thảo luận với Litva để tìm hiểu cách thức triển khai như thế nào cho phù hợp", bà Lambrecht tuyên bố.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức một lần nữa bác bỏ khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev, sau khi đại sứ quán Ukraine tại Berlin gửi một danh sách các khí tài cần hỗ trợ tới Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức.
Danh sách này bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa, thiết bị tác chiến điện tử, kính nhìn đêm, radio kỹ thuật số, trạm radar và xe cứu thương quân sự, những trang bị mà ngay cả quân đội Đức cũng đang thiếu hụt.
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây leo thang nghiêm trọng trong những tuần gần đây, sau khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga điều động hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine để lên kế hoạch chuẩn bị tấn công. Nga nhiều lần phủ nhận cáo buộc, nhưng cảnh báo có thể có các hành động kỹ thuật - quân sự nếu không được đáp ứng các yêu cầu an ninh.
Giữa lúc căng thẳng Nga với phương Tây leo thang, Mỹ đã điều thêm khoảng 3.000 quân đến Ba Lan và Romania để hỗ trợ sườn phía đông NATO. Nhóm đầu tiên trong số này đã tới căn cứ quân sự Rzeszow ở đông nam Ba Lan ngày 5/2.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, NATO đã triển khai 4 nhóm tác chiến đa quốc gia với tổng quân số khoảng 5.000 người tới Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia.
Những nhóm tác chiến này do Mỹ, Đức, Canada và Anh phụ trách, có mục đích cầm chân đối phương nếu xung đột nổ ra để binh sĩ NATO có thêm thời gian triển khai tới tiền tuyến.
Một số quan chức Mỹ giấu tên tin rằng Nga đã tăng lực lượng ở gần biên giới Ukraine và đạt 70% sức mạnh cần thiết cho chiến dịch tấn công tổng lực. Họ dự đoán cuộc tấn công xảy ra vào khoảng giữa tháng 2, khi mặt đất đóng băng hoàn toàn tạo điều kiện cho các phương tiện cơ giới của quân đội Nga di chuyển dễ dàng.
Theo các quan chức Mỹ, mốc thời gian đó cùng số lượng và năng lực ngày càng tăng của lực lượng Nga gần biên giới Ukraine có thể cho thấy cánh cửa ngoại giao đang dần khép lại. Tuy nhiên, họ không cung cấp bằng chứng về những đánh giá mới nhất của mình.
Thanh Tâm (Theo Reuters)