Một vụ nổ lớn bên ngoài cổng đại sứ quán Nga ở thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 5/9 đã khiến hai thành viên của phái đoàn ngoại giao thiệt mạng, theo Bộ Ngoại giao Nga. Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti trước đó cho biết con số thương vong trong vụ đánh bom có thể lên tới 15-20 người.
Trong tuyên bố đăng trên Telegram sau đó, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố một thành viên của nhóm đã "kích nổ đai bom tự sát trong cuộc tụ tập có các nhân viên ngoại giao Nga tham gia" gần đại sứ quán ở Kabul.
Theo giới quan sát, IS có nhiều động cơ để thúc đẩy nhánh Khorasan của mình tại Afghanistan, còn được gọi là ISIS-K, tiến hành vụ đánh bom nhắm vào sứ quán Nga. Trên thực tế, chính hoạt động của ISIS-K trong thập kỷ qua đã thúc đẩy Nga hợp tác với Taliban trong mục tiêu chung chống khủng bố.
Mục tiêu này được coi là một trong những lý do Nga tiếp tục hợp tác với Taliban, lực lượng nắm quyền ở Afghanistan hiện tại, dù không chính thức công nhận chính quyền này.
ISIS-K cũng xem Taliban là kẻ thù truyền kiếp và sẽ làm mọi thứ để gây bất ổn, theo nhà phân tích chính trị người Mỹ Andrew Korybko. Taliban gần đây báo hiệu rằng họ coi Nga là bên đóng vai trò quan trọng trong quá trình ổn định Afghanistan sau thời gian dài chìm trong chiến sự.
"Vì mục tiêu của ISIS-K là gây ra càng nhiều hỗn loạn càng tốt, do đó, họ có thể đã tấn công đại sứ quán Nga để khiến Moskva lo sợ và không đầu tư vào quá trình tái thiết kinh tế xã hội ở Afghanistan", Korybko nhận định.
ISIS-K đã tăng cường các cuộc tấn công chống Taliban và dân thường kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào năm ngoái, sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi quốc gia này.
Giới quan sát cho rằng chính tầm nhìn khác biệt giữa IS và Taliban đã dẫn tới tình thế đối đầu giữa hai nhóm. Trong khi IS tin vào một nhà nước Hồi giáo trên toàn cầu, Taliban chỉ có tham vọng củng cố quyền lực ở Afghanistan.
Tổ chức nghiên cứu Wilson Center cho rằng ISIS-K theo hệ tư tưởng Jihadi-Salafism, trong khi Taliban theo trường phái Hanafi madhhab của dòng Hồi giáo Sunni, vốn bị ISIS-K xem là có nhiều thiếu sót.
Vụ đánh bom bên ngoài đại sứ quán Nga là vụ tấn công đầu tiên nhắm vào phái bộ ngoại giao tại Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản quyền lực tại quốc gia Trung Á hồi tháng 8/2021. Điều này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng quản lý tình hình của Taliban, vì vụ nổ tại đại sứ quán là hành động mất an ninh nghiêm trọng, theo giới quan sát.
Faran Jeffery, phó giám đốc tổ chức nghiên cứu Thần học Hồi giáo chống chủ nghĩa khủng bố, viết trên Twitter rằng vụ đánh bom gửi đi hai thông điệp.
"Một là Taliban không thể đảm bảo an ninh cho chính Kabul, chứ đừng nói tới phần còn lại của đất nước. Thứ hai, bất kỳ quốc gia nào mơ mộng về việc có thêm thiên đường riêng biệt ở Afghanistan đều phải suy nghĩ lại", Jeffery nói.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát khác cho rằng vụ đánh bom sẽ khó có thể thay đổi chiến lược của Nga ở Afghanistan.
"Nga sẽ không bị ngăn cản thực hiện khía cạnh Afghanistan trong 'Trục Ummah', mà ngược lại còn tăng cường hành động ở khu vực này", Korybko cho hay, đề cập tới cam kết toàn diện sau năm 2014 của Moskva với nhiều quốc gia, đa số theo đạo Hồi, dọc theo vùng rìa phía nam của Nga.
Nhà phân tích Korybko thêm rằng sau vụ đánh bom, Nga có thể mở rộng phạm vi chia sẻ thông tin tình báo và các hình thức hợp tác an ninh khác với Taliban, dù sẽ không điều quân tới Afghanistan, trong bối cảnh Moskva đang dồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine.
Korybko nhận định vụ đánh bom hôm 5/9 bên ngoài đại sứ quán Nga ở Kabul là một sự kiện lớn thúc đẩy hợp tác giữa Moskva và Taliban thay vì làm suy yếu nó như kỳ vọng của những kẻ tấn công.
"Trong bất kỳ trường hợp nào, Moskva sẽ không bao giờ từ bỏ vai trò hàng đầu trong việc tái thiết kinh tế xã hội ở Afghanistan, điều mà Nga xem là không thể thiếu để tăng khả năng chống khủng bố của Taliban và đảm bảo sự ổn định lâu dài cho khu vực rộng lớn này", Korybko cho hay.
Thanh Tâm (Theo One World, AP, Outlook India)