Tại Nhật Bản, tiệm sushi của đầu bếp Mamoru Sugiyama đã tồn tại qua nhiều thiên tai, các vụ đánh bom trong Thế chiến Thứ hai, song ông coi Covid-19 là mối đe dọa lớn nhất. Các khoản trợ cấp chính phủ có hạn, ông phải dốc tiền để duy trì hoạt động kinh doanh và trả lương cho nhân viên. Thu nhập đã giảm 70% kể từ khi đại dịch bùng phát.
Mamoru Sugiyama nói: "Thay vì các biện pháp nửa vời không hiệu quả, tôi mong chính phủ hành động dứt khoát, thực hiện lệnh cấm nghiêm ngặt và hỗ trợ tài chính cho những người nghèo để kiểm soát virus".
100 ngày trước khi diễn ra Olympic, Tokyo áp biện pháp khẩn cấp ngừa Covid-19. Sáu thành phố gồm Tokyo, Osaka, Kyoto, Hyogo, Miyagi và Okinawa bị hạn chế nghiêm ngặt. Tiệm ăn uống phải ngừng phục vụ trước 7h tối.
Dù vậy, số ca nhiễm vẫn gia tăng. Người Nhật có ý thức tuân thủ quy định an toàn như đeo khẩu trang và rửa tay, nhưng lệnh cấm tập trung đông người và hạn chế các chuyến đi không cần thiết bị chính quan chức phớt lờ. Người dân cũng bắt đầu tụ tập trên đường phố khi đã mất kiên nhẫn với tình trạng giãn cách kéo dài hơn một năm.
Tình hình tương tự diễn ra tại Hàn Quốc. Nhiều tháng trôi qua, số ca nhiễm nCoV tăng trở lại dù chính phủ đã áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn. Lee Sun-young, 25 tuổi, một sinh viên, bắt đầu mất lòng tin trong cuộc chiến chống Covid-19.
"Tôi mệt mỏi với những hạn chế, đặc biệt là đeo khẩu trang và cấm du lịch nước ngoài", cô nói. "Tôi vẫn lo lắng về Covid-19, nhưng khi thời tiết ấm lên, có vẻ như tất cả mọi người chứ không riêng tôi đều bỏ qua biện pháp kiểm dịch. Đây là vấn đề lớn".
Cảm giác mệt mỏi với đại dịch càng tăng khi Hàn Quốc vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ tư. Hôm 14/4, nước này ghi nhận 731 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ ngày 7/1.
Các cụm dịch xuất hiện khắp mọi nơi, dù chính phủ đã cấm tụ tập từ 4 người trở lên kể từ tháng 12 năm ngoái. Quan chức cấp cao Bộ Y tế Yoon Tae Ho cho biết nước này sẽ xem xét điều chỉnh kế hoạch hạn chế giờ làm.
"Có vẻ như người dân đã mất cảnh giác. Mọi người thư giãn hơn, nhưng virus thì không bao giờ mệt mỏi", ông nói.
Ở Thái Lan, trong đợt bùng phát mới, virus lây lan chủ yếu ở người trẻ tuổi, giàu có và hay di chuyển. Một số trường hợp nhiễm biến thể nguy hiểm từ Anh.
Đầu tháng 4, Bộ trưởng Giao thông vận tải Saksayam Chidchob được chẩn đoán dương tính với nCoV. Chính phủ cho biết có thể ông đã lây bệnh từ một phụ tá. Người này là khách quen của một số tụ điểm ăn uống, vui chơi về đêm. Các tụ điểm kiểu này ngang nhiên hoạt động, phớt lờ giãn cách xã hội. Sự việc khiến công chúng hoài nghi về cách chính phủ xử lý làn sóng dịch bệnh mới nhất.
Quốc gia bắt đầu nới lỏng hạn chế gần đây. Tuần này, khoảng một triệu người đi thăm gia đình hoặc đổ xô đến các bãi biển. Nhiều bệnh viện tạm ngừng xét nghiệm Covid-19 khi hàng nghìn người lo lắng đã nhiễm virus hoặc cần giấy chứng nhận âm tính nCoV để đi lại.
Khác với Mỹ và Anh, chiến dịch tiêm chủng của châu Á diễn ra vô cùng chậm chạp. Điều này cũng khiến virus lây lan nhanh, dễ biến đổi.
Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine cho người cao tuổi vào ngày 12/4. Tuy nhiên, nước này không đạt được các cột mốc quan trọng trong chương trình tiêm chủng vì sự hoài nghi của công chúng. Nỗi sợ tăng lên trong tháng trước, sau khi một nhân viên y tế 60 tuổi ở Nagasaki tử vong do xuất huyết não sau tiêm vacine. Giới chức y tế cho biết bà không có bệnh nền, không gặp phản ứng phụ.
Chương trình tiêm chủng ở Hàn Quốc cũng tiến triển chậm, làm dấy lên lo ngại nước này không thể đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11. Kể từ ngày 26/2 đến nay, hơn 1,2 triệu người được tiêm một liều vaccine, tương đương với 2,38% dân số.
Khoảng 300.000 người tiêm vaccine Pfizer, còn lại tiêm vaccine AstraZeneca. Chỉ khoảng 60.000 người đã tiêm vaccine Pfizer liều thứ hai. Theo đánh giá của Bloomberg, Hàn Quốc sẽ mất tới 6 năm 4 tháng để đạt miễn dịch cộng đồng nếu giữ tốc độ hiện tại, tiêm chủng cho khoảng 32.500 người mỗi ngày. Con số thấp hơn đáng kể so với 3,2 triệu người một ngày ở Mỹ và 400.000 người ở Anh.
Các chuyên gia cho rằng tiến độ chậm chạp là do thiếu vaccine trong nước - một thực tế đang diễn ra tại cả Thái Lan. Nước này không mua đủ số vaccine để tiêm cho 70% dân số, vốn được coi là ngưỡng an toàn đạt miễn dịch cộng đồng. Đến nay, chỉ 1% trong 69 triệu người Thái Lan đã tiêm chủng, tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Các biến thể nCoV cũng xuất hiện ở nhiều nước, lây lan nhanh hơn. Campuchia đang đón đợt bùng phát lớn nhất kể từ đầu dịch, biến thể Anh là nguyên nhân đẩy quốc gia đến bờ vực thảm họa.
Tiến sĩ Li Ailan, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại nước này, nhận định: "Biến thể B.1.1.7 lây lan dễ dàng hơn, có thể gây ra triệu chứng nghiêm trọng. Nhiều quốc gia có hệ thống y tế vững vàng đã bị choáng ngợp. Chúng ta cần đảm bảo điều tương tự không xảy ra với Campuchia".
Tất cả ca nhiễm mới đều liên quan đến cụm dịch ngày 20/2. Nguồn lây là 4 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Theo báo cáo, nhóm này đã tới Dubai, một trong 90 quốc gia nơi biến thể B.1.1.7 đang chiếm ưu thế.
Hiện, tỷ lệ lây nhiễm tại Ấn Độ trong làn sóng thứ hai cũng tăng hơn 20 lần. Quốc gia báo cáo khoảng 950 trường hợp nhiễm biến thể Anh, Nam Phi và Brazil. Y bác sĩ tại Viện Khoa học Y tế Ấn Độ phát hiện một bệnh nhân lây nhiễm cho 9 trong số 10 người từng tiếp xúc, tỷ lệ gấp đôi so với năm ngoái.
Nhà dịch tễ học Rajib Dasgupta, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, nhận định: "Vấn đề là các biến thể đáng lo này vẫn chưa được đem ra thảo luận. Kể cả nó là biến thể mới hay không, bạn vẫn cần làm điều này".
Thục Linh (Theo Straits Times, CNA, Aljazeera)