Stella Githaiga, làm việc tại bệnh viện công lớn nhất Kenya, nằm trên giường bệnh, liên tục ho, chóng mặt, sốt cao sau gần một tháng nhiễm nCoV. Cô bị lây nhiễm trong chuyến công tác hồi tháng 1, khi Kenya đối mặt làn sóng Covid-19 thứ ba.
"Tôi đã rất lo lắng khi chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 trong suốt năm qua", Githaiga bộc bạch. "Thật trớ trêu, tôi nhiễm virus trước khi vaccine được triển khai".
Không chỉ Githaiga, nhiều y bác sĩ tại châu Phi đang hứng chịu hậu quả từ việc chậm trễ và thiếu nguồn cung vaccine.
Trong ba tháng đầu năm, bốn nước Kenya, Mozambique, Nigeria, Zimbabwe báo cáo nhiều ca Covid-19 tử vong là y bác sĩ chưa được chủng ngừa, tạo thêm gánh nặng cho ngành y tế vốn đã quá tải khi biến thể nCoV mới xuất hiện.
Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ khi thế giới bước vào năm Covid-19 thứ hai. Gần 75% số vaccine đã phân phối trên toàn cầu về tay 10 nước giàu. Trong khi đó, ít nhất 30 nước tới nay chưa từng tiêm một mũi vaccine Covid-19 nào. Số vaccine đã triển khai trên toàn châu Phi chỉ chiếm 2% số liều được phân phối trên toàn cầu dù dân số của châu lục này chiếm 17% thế giới.
"Dù là một quốc gia đơn lẻ hay toàn thể châu Âu, tôi không tin chúng tôi có thể tự xoay sở", Hazel Miseda Mumbo, phó hiệu trưởng Đại học Great Lakes Kisumu, Kenya, nói. "Trong khi các nước phương Tây đang tranh giành vaccine, thì châu Phi sẽ phải chờ đợi. Đây là một thực tế đáng buồn".
Tại Kenya, một trong những nước giàu nhất châu Phi, tình trạng phân phối vaccine không đồng đều ngày càng đáng lo ngại.
Nước này nhận lô vaccine đầu tiên hôm 2/3, chậm gần một tháng và ít hơn 75% so với dự kiến. Với nguồn vaccine từ Chương trình Tiếp cận Vaccine Toàn cầu (Covax), chính phủ Kenya kỳ vọng mối quan hệ an ninh, thương mại chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) giúp họ sớm nhận vaccine. Để được ưu tiên, Kenya khuyến khích người dân tham gia các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, kỳ vọng không được đáp lại. Thậm chí, lô vaccine 4,1 triệu liều Covax hứa phân phối cho Kenya giảm còn 3,6 triệu.
Giới chức y tế cho hay dù trong trường hợp khả quan nhất, Kenya dự kiến chỉ chủng ngừa được 30% dân số vào giữa năm 2023. Hiện, những lô vaccine đầu tiên đã được tiêm cho nhân viên y tế tuyến đầu và các ngành nghề thiết yếu khác.
Trên khắp châu Phi, hậu quả của việc chậm trễ vaccine tới người dân và hệ thống y tế ngày càng lớn.
Hồi tháng 1, một bác sĩ tim mạch tại Zimbabwe - người hướng dẫn cho rất nhiều bác sĩ trẻ, là trụ cột của nền y tế Zimbabwe - qua đời sau thời gian chống chọi với Covid-19. Một bác sĩ cao cấp nhiễm nCoV tại Bắc Nigeria cũng qua đời tại khu cách ly.
Hệ thống y tế Kenya trong năm 2020 đã từng ảnh hưởng nặng nề do thiếu quan tâm tới nhân viên y tế. Nhiều y bác sĩ xin nghỉ việc sau thời gian dài bị nợ lương, không được cung cấp đủ thiết bị bảo hộ. Nhiều bệnh viện hoạt động nhiều tháng mà không có y tá. Một cơ sở phải đóng cửa đơn vị cách ly Covid-19, đưa bệnh nhân về nhà vì không đủ nhân lực. Tháng 12 năm ngoái, bác sĩ 28 tuổi qua đời vì Covid-19. Trước đó, anh đã làm việc không lương nhiều tháng.
"Bảo vệ nhân viên y tế trên toàn thế giới là một nhiệm vụ khẩn cấp về mặt đạo đức", Gavin Yamey, phó giám đốc phụ trách chính sách của Viện Y tế Toàn cầu Duke, nêu ý kiến. "Tại những cơ sở y tế vốn quá tải, việc nhân viên nhiễm virus hoặc qua đời sẽ chỉ khiến vấn đề ngày càng xấu đi".
Bác sĩ Nyachira Muthiga, từng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Nairobi, cảm thấy nhẹ nhõm khi những lô vaccine đầu tiên tới Kenya. Tuy nhiên, những trải nghiệm đáng sợ trước đó khiến cô luôn cảnh giác. Trước khi chính mình nhiễm nCoV, cô chứng kiến rất nhiều bệnh nhân không qua khỏi. "Đồ bảo hộ chúng tôi được cung cấp không đạt tiêu chuẩn. Do đó, tôi rất dễ nhiễm virus", Muthiga cho hay.
Cô bày tỏ lo lắng những vấn đề tương tự trong hệ thống y tế cùng tình trạng tích trữ vaccine của nước giàu sẽ khiến người dân Kenya phải đằng đẵng chờ vaccine.
"Tôi vẫn nuôi hy vọng. Ở một góc độ nào đó, sức khỏe người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu", cô nói.
Lê Hằng (Theo NY Times)