Mỗi ca tử vong mới vì Covid-19 luôn được loa thông báo ít nhất năm lần mỗi ngày từ một nhà thờ gần đó. Ratna bình thường sẽ ở nơi làm việc và quản lý những phòng bệnh cách ly đang quá tải của bệnh viện, nhưng giờ phải nhà vì mắc Covid-19.
"Tôi biết các đồng nghiệp của tôi đang cố sử dụng mọi thứ chúng tôi có để phục vụ bệnh nhân", cô nói.
Chín bác sĩ khác trong bệnh viện của Ratna cũng bị nhiễm bệnh, giữa lúc lượng công việc nhiều chưa từng thấy.
Bệnh viện của cô là một trong số nhiều cơ sở y tế đang căng mình chống đỡ đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng ở Indonesia. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở quốc gia này những ngày gần đây vượt 38.000, gấp gần 6 lần so với một tháng trước. Indonesia đã báo cáo hơn 2,4 triệu ca nhiễm và hơn 64.000 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.
Các nhà dịch tễ học cho rằng con số thực tế ở Indonesia cao hơn đáng kể so với báo cáo chính thức, khi chỉ ra quốc gia Đông Nam Á có xét nghiệm hạn chế. Dựa trên những phân tích về số ca tử vong ở cấp địa phương, tiến sĩ Dicky Budiman tại Đại học Griffith, Australia ước tính số ca nhiễm hàng ngày ở Indonesia có thể hơn 100.000 người.
Hình ảnh từ các bệnh viện ở những thành phố lớn trên đảo Java đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Lều cấp cứu tạm thời được dựng lên trong bãi đỗ xe, nơi bệnh nhân nằm la liệt để chờ chỗ trống trong phòng bệnh. Ở những nơi khác, hàng dài người chờ đợi bên ngoài các cửa hàng bán oxy y tế, vì nhiều gia đình không thể tìm được giường bệnh cho người thân đang cố gắng điều trị tại nhà.
Nhân viên tại nghĩa trang Rorotan ở thủ đô Jakarta phải làm việc tới tối để đào thêm mộ cho người chết vì Covid-19. Số lượng lễ mai táng ở thủ đô đã tăng 10 lần kể từ tháng 5, theo giới chức địa phương.
"Đây là kết quả cho những yếu kém trong hệ thống của chúng tôi", Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, nói về đợt bùng phát mới nhất. "Bạn không thể chỉ đổ lỗi cho virus bởi đây thực sự là vấn đề về cách hành xử của con người".
Cách ứng phó Covid-19 của Indonesia đã xuất hiện nhiều vấn đề ngay từ đầu. Tới ngày 2/3/2020, giới chức Indonesia mới xác nhận hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, dù nhiều dấu hiệu cho thấy virus đã xuất hiện ở nước này từ đầu tháng 1. Terawan Agus Putranto, bộ trưởng y tế khi đó, chỉ trích một báo cáo của Đại học Havard nói rằng Indonesia có thể có nhiều ca nhiễm chưa được báo cáo. Ông thêm rằng việc cầu nguyện đã giúp Indonesia ngăn chặn Covid-19.
Tiến sĩ Dicky cho biết Indonesia sau đó đã đối mặt với một trong những đợt bùng phát nghiêm trọng nhất khu vực Đông Nam Á. "Indonesia đã chứng kiến 'đợt bùng phát âm thầm'. Chúng tôi có dân số trẻ và rất nhiều đảo", ông nói và thêm rằng điều này đã giúp làm chậm tốc độ lây lan hoặc che đậy mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát.
Tuy nhiên, chủng Delta với khả năng lây lan mạnh xuất hiện đã phơi bày tất cả. Biến chủng Delta, liên quan tới dịp lễ Eid al-Fitr, đã cho thấy những sai lầm cố hữu trong các biện pháp chống dịch của Indonesia.
Các nhà dịch tễ học từng cảnh báo về các đợt bùng phát và thúc giục chính phủ tăng hạn chế đi lại, tụ tập trong dịp lễ. Nhưng trước khi lệnh cấm đi lại ngắn hạn có hiệu lực, nhiều người đã đổ xô tới sân bay và nhà ga để trở về quê.
"Chính phủ đã hành động quá muộn để ngăn tốc độ lây lan của dịch. Họ dường như không có đủ năng lực đánh giá tình hình và phớt lờ cảnh báo của chuyên gia", Yurdhina Meilissa, chiến lược gia trưởng của Trung tâm Sáng kiến Phát triển Chiến lược Indonesia, cho hay.
Tổng thống Joko Widodo đã chần chừ áp dụng các biện pháp phong tỏa mạnh tay trong suốt đại dịch vì lo ngại gián đoạn nền kinh tế. Đồng thời, các biện pháp không phải lúc nào cũng được thực thi nghiêm túc.
Gần đây, giới chức vẫn khuyến khích đi lại trong nước khi công bố kế hoạch "work from Bali" để thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ và khách sạn ở đây. Chương trình bị đình chỉ tuần trước, khi các biện pháp cứng rắn hơn được áp dụng ở Java và Bali để đối phó với làn sóng ca nhiễm tăng vọt.
Chuyên gia y tế chỉ trích chính phủ gửi thông điệp thiếu nhất quán cho người dân và không tăng cường hệ thống y tế, giám sát khi dịch bệnh còn trong tầm kiểm soát.
Indonesia vẫn là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 thấp nhất thế giới. Số xét nghiệm đã tăng lên trong tuần qua, nhưng vẫn cách xa mục tiêu của chính phủ và không thể bắt kịp tốc độ của đại dịch. Số người nhiễm virus được phát hiện cũng tăng lên, với hơn 1/4 xét nghiệm cho kết quả dương tính. Riêng tại Jakarta, tỷ lệ dương tính là 50%.
Dicky cho biết hệ thống giám sát và truy vết ca nhiễm của Indonesia rất hạn chế, thêm rằng các đội y tế ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất hoàn toàn không nắm được thông tin. "Nhiều quận huyện ở Java và cả ngoài Java không biết bởi họ không có đủ dữ liệu", ông nói.
Các bệnh viện gần như không thể đối phó với đợt bùng phát hiện tại. Adib Khumaidi, trưởng nhóm giảm thiểu rủi ro thuộc Hiệp hội Y khoa Indonesia (IMA), cho biết bệnh viện giờ bên bờ sụp đổ.
Tại bệnh viện của Ratna, hơn một nửa bệnh nhân là người mắc Covid-19, trong khi năm ngoái con số này chỉ là 1/3. Hầu hết đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, điều không từng thấy trước đây. Một số bệnh nhân bác bỏ kết quả dương tính và thậm chí chửi bới nhân viên bệnh viện.
Tỷ lệ nhiễm trong số nhân viên y tế, những người hầu hết đã tiêm vaccine Sinovac, càng tăng thêm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia. Theo IMA và Hiệp hội Y tá Indonesia, 22 y tá và 35 bác sĩ đã chết vì Covid-19 trong 9 ngày qua.
Chính phủ đã tăng cường các biện pháp hạn chế ở Java và Bali để cố gắng hạn chế ca nhiễm mới, nhưng chuyên gia y tế chỉ ra chính phủ vẫn cho phép đi lại trong nước và đặt ra nhiều ngoại lệ cho lao động thiết yếu.
Các biện pháp hạn chế có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào việc chúng được thực thi nghiêm ngặt như thế nào, theo Pandu Riono, nhà dịch tế học tại Đại học Indonesia.
"Bạn muốn đối mặt với kịch bản tệ nhất, cực đoan nhất hay một kịch bản tốt, trong đó bạn làm mọi thứ có thể để giảm lây nhiễm và sau đó đạt đỉnh dịch vào tháng tới", Riono đặt câu hỏi.
Ratna sẽ trở lại làm việc sau năm ngày nữa. Chồng cô và hai con, những người cũng bị nhiễm bệnh, đang dần hồi phục. Bất chấp những thách thức này, Ratna tin tình hình ở bệnh viện của cô vẫn tốt hơn nhiều nơi khác.
"Tôi hy vọng tất cả chúng tôi có thể sống sót qua đại dịch này", cô nói.
Thanh Tâm (Theo Guardian)