Ngay sau khi phát động chiến dịch tiêm chủng Covid-19 toàn quốc hồi tháng trước, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã đặt thời hạn 120 ngày để tái mở cửa đất nước, nối lại du lịch quốc tế và hoạt động kinh tế bình thường. Hôm 21/6, các biện pháp hạn chế chống dịch cũng được nới lỏng hơn. Nhà hàng được mở cửa đến 23h, số người tối đa được tụ tập nâng lên 50.
Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau, chính phủ bất ngờ đảo ngược quyết định, ra lệnh cấm dùng bữa tại nhà hàng và mọi hoạt động tụ tập vượt quá 20 người đối với thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác, có hiệu lực trong 30 ngày.
Theo Supavud Saicheua, cố vấn cho tập đoàn tài chính Kiatnakin Phatra của Thái Lan, ngay cả khi các biện pháp hạn chế trên chấm dứt trong vòng 30 ngày, nền kinh tế vẫn sẽ chịu những thiệt hại đáng kể, lòng tin của người tiêu dùng cũng giảm sút.
10 địa phương chịu lệnh hạn chế mới chiếm hơn 50% GDP Thái Lan, dẫn đến thiệt hại về GDP có thể lên đến 50 tỷ baht (1,5 tỷ USD). "Làm thế nào nền kinh tế Thái Lan có thể bắt đầu phục hồi trong hoàn cảnh như vậy", Saicheua đặt câu hỏi.
Chuyên gia này cho rằng bước đầu tiên quốc gia Đông Nam Á cần làm là ứng phó Covid-19 một cách hiệu quả, bao gồm tiêm chủng đại trà bằng các loại vaccine phù hợp nhất. Trước những biến chủng nCoV mới và nhiệm vụ phải hạn chế virus lây lan, một chương trình xét nghiệm, truy vết và cách ly hiệu quả phải được thực hiện.
Thái Lan đang tiến hành khoảng 80.000 xét nghiệm PCR mỗi ngày, nhưng phương pháp này bị đánh giá tốn thời gian và cần đội ngũ nhân viên y tế đã được đào tạo, sau đó là phân tích trong phòng thí nghiệm.
Nhiều nước đang tăng cường sử dụng xét nghiệm nhanh, kém chính xác hơn nhưng có thể thực hiện tại nhà dân, không cần giám sát hay phân tích trong phòng thí nghiệm, cho kết quả trong vòng 30 phút. Anh, quốc gia có dân số tương đương Thái Lan, đang tiến hành hơn 1 triệu xét nghiệm bằng cả hai phương pháp mỗi ngày.
"Thái Lan phải đảm bảo tiến hành xét nghiệm rộng rãi, tiết kiệm và dễ dàng như vậy, đặc biệt đối với những người hoạt động trong lĩnh vực y tế, du lịch và lữ hành, giáo dục, sản xuất và xây dựng", Saicheua đánh giá.
Ngoài việc truy vết và cách ly hiệu quả, Saicheua cho rằng giới chức nên chủ động hỗ trợ tài chính cho những lao động thu nhập thấp nhiễm nCoV, cùng các thành viên gia đình có thể cũng phải cách ly và không thể kiếm sống.
Theo Saicheua, đại dịch còn gây thiệt hại nặng nề đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với ít sự hỗ trợ từ nhà nước. Nhiều doanh nghiệp như vậy giờ đây khó có thể tồn tại nếu chỉ dựa vào các khoản vay ưu đãi. Vì vậy, chuyên gia này nhận định chính phủ cần hoạch định những nguồn vốn mới để tái cơ cấu các doanh nghiệp này, cũng như ngành du lịch đang bị thu hẹp.
Về lâu dài, Thái Lan có lẽ không thể chỉ dừng lại ở việc tìm cách chung sống với mức độ lây nhiễm nCoV trong tầm kiểm soát. Ngay từ trước đại dịch, nền kinh tế nước này vốn đang đối mặt những thách thức nghiêm trọng khác, bao gồm dân số già hóa, được dự đoán sẽ nhanh chóng gia tăng tác động lên nền kinh tế trong những thập kỷ tới.
Thái Lan còn cạn kiệt khí tự nhiên, nguồn cung cho nhu cầu năng lượng và ngành công nghiệp hóa dầu phát triển nhanh chóng trong 40 năm qua. Ngành công nghiệp ô tô đồ sộ cũng bị đe dọa vì sự xuất hiện của các phương tiện chạy điện.
"Tôi tin rằng Thái Lan nên cân nhắc ý tưởng trở thành một nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, do nhu cầu về mặt hàng này có khả năng tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, nhà sản xuất cần tới nguồn nước dồi dào, tài nguyên mà Thái Lan không đủ và không tìm cách giải quyết vấn đề này suốt 20 năm qua", Saicheua nêu ý kiến.
Theo ông, đã đến lúc chính phủ cần hành động, hoặc khuyến khích đầu tư lớn để cải thiện nguồn cung cấp nước và hệ thống thủy lợi của Thái Lan, từ đó giúp thúc đẩy cả ngành nông nghiệp.
Một biện pháp khác để tăng cường phát triển nông nghiệp là cải thiện chất lượng đất. Với nhu cầu thực phẩm hữu cơ sạch dự kiến tiếp tục tăng trên toàn thế giới, nông dân Thái Lan có lẽ nên được tạo điều kiện thay thế phân bón hóa học bằng những biện pháp sản xuất khác.
Saicheua cho rằng Thái Lan đủ khả năng đầu tư như vậy. Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong 6 năm qua chiếm tới 40% GDP, phản ánh mức tiết kiệm đáng kể so với mức đầu tư. Mức chi tiêu tích lũy tăng từ 168,16 tỷ USD hồi năm 2015 lên 283,85 tỷ USD vào tháng 5/2021.
"Miễn là chính phủ chi tiêu một cách sáng suốt, Thái Lan có thể đủ khả năng chi trả cho bất kỳ công nghệ nước ngoài và nguồn lực nào mà họ cần. Họ nên hành động ngay bây giờ", Saicheua kết luận.
Ánh Ngọc (Theo Nikkei)