Vận tải cơ C-130H của không quân Philippines ngày 4/7 bất ngờ đáp trượt đường băng và đâm xuống rừng dừa gần ngôi làng trên đảo Jojo, thuộc tỉnh Sulu, khiến 52 người thiệt mạng, 47 binh sĩ bị thương.
Quân đội Philippines hôm nay tìm thấy hộp đen và thiết bị ghi dữ liệu bay của vận tải cơ, nhưng nguyên nhân tai nạn nhiều khả năng chỉ được công bố sau cuộc điều tra kéo dài, trong đó nhiều thông tin thuộc diện bí mật quân sự và sẽ không được tiết lộ.
Tuy nhiên, chuyên gia lịch sử quân sự Jose Antonio Custodio, từng làm việc tại bộ phận lập kế hoạch của quân đội Philippines, đưa ra một số nhận định về nguyên nhân khiến chiếc vận tải cơ khổng lồ này trượt đường băng và đâm xuống đất.
Theo Custodio, đường băng trên đảo Jojo là một trong những địa điểm thử thách nhất với các phi công, dù dày dạn kinh nghiệm đến đâu. Đường băng này được quân đội Mỹ xây dựng những năm 1930 với chiều dài chỉ khoảng 1.200 m mà không thể mở rộng thêm vì yếu tố địa hình.
"Một đầu đường băng là biển, đầu kia là đồi núi cao bên cạnh một ngôi làng. Máy bay chỉ có thể đáp xuống và cất cánh theo hướng biển vì khu vực đồi núi cao nằm ngay phía đầu kia của đường băng", Custodio nói.
Custodio đánh giá phi công dễ đáp trượt đường băng trên đảo Jojo "vì nó quá ngắn". Vận tải cơ C-130H cần quãng đường tối thiểu 914 m để hạ cánh, bởi vậy chuyên gia này cho rằng đường băng trên đảo Jojo sẽ "không tha thứ" cho bất cứ sai lầm nào của phi công hay sự cố của phi cơ.
Một người dân sống ở khu làng gần sân bay cho biết đã nhìn thấy càng đáp một bên máy bay không mở ra khi nó hạ cánh xuống đường băng. Phi công tìm cách tăng tốc để lấy độ cao nhưng không kịp, máy bay đâm xuống gần làng ngay sau đó. Quân đội Philippines chưa bình luận về thông tin này.
Custodio cũng tin rằng dù có kinh nghiệm và kỹ năng đến đâu, phi công cũng rất khó điều khiển một chiếc vận tải cơ khổng lồ chở đầy tải ở một địa hình phức tạp như vậy. Trước khi gặp nạn, chiếc C-130H chở tới 96 binh sĩ với trang bị và đạn dược trong khoang, đồng thời mang đủ nhiên liệu cho chuyến bay trở về, do trên đảo Jojo không có trạm tiếp liệu.
Đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử hàng không quân sự Philippines. Lần gần đây nhất một máy bay quân sự Philippines gặp nạn là vào tháng 4/1971, khi vận tải cơ Douglas C-47 cất cánh từ căn cứ không quân Basa ở Pampanga lao xuống đất do hỏng động cơ, khiến toàn bộ 40 người trên khoang thiệt mạng.
Kể từ đó, nhiều vụ tai nạn hàng không quân sự tiếp tục xảy ra tại Philippines nhưng với mức độ nhỏ hơn. Chuyên gia Custodio cho rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chịu một phần trách nhiệm trong những tai nạn này do "từ chối yêu cầu Mỹ giúp đỡ trong các thảm họa thiên nhiên".
"Tôi cho rằng lỗi nằm ở Duterte khi các máy bay quân sự của chúng tôi phải hoạt động quá mức trong các chiến dịch cứu trợ thiên tai, trong khi không ai cho phép Mỹ hỗ trợ. Họ để mặc cho không quân Philippines đơn thương độc mã ứng phó với những cơn bão và thảm họa", Custodio nói.
Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi quân đội Philippines có chính sách đình chỉ bay cả loạt máy bay nếu một chiếc tương tự gặp tai nạn. Sau vụ tai nạn hôm 4/7, không quân Philippines đã đình chỉ hoạt động bay của hai chiếc C-130 còn lại, khiến năng lực vận tải quân sự của nước này bị ảnh hưởng nặng nề.
Thượng nghị sĩ Richard Gordon sau đó hối thúc chính phủ Philippines mua thêm vận tải cơ C-130. "Singapore, một quốc đảo có diện tích như vùng đô thị vịnh Subic, sở hữu 10 chiếc C-130, Thái Lan có 12 chiếc. Chúng ta chỉ có ba vận tải cơ C-130 và vừa rơi một chiếc", Gordon nói.
Truyền thông Philippines cho biết chiếc C-130H gặp nạn nằm trong số hai vận tải cơ được Mỹ chuyển giao cho quân đội nước này hồi tháng 2, trị giá hơn 50 triệu USD.
Harry Roque, phát ngôn viên Tổng thống Philippines, ngày 5/7 nói các vụ tai nạn "tạo ra động lực để hiện đại hóa hơn nữa" quân đội nước này. Tổng thống Duterte đã tới thăm căn cứ quân sự tại thành phố Zamboanga, nơi tập kết thi thể của các nạn nhân trong vụ rơi vận tải cơ C-130.
Duterte khẳng định sẽ "dành ngân sách lớn hơn cho quân đội Philippines" và hứa hỗ trợ giáo dục cho những trẻ em mất cha trong vụ tai nạn. Tổng thống Philippines trao huy chương cho những người sống sót trên chiếc C-130H gặp nạn và có bài phát biểu ngắn nhất: "Tôi không nói nên lời".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)