Hôm qua (8/5), Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế này đã mất 20,5 triệu việc làm trong tháng 4 – cao nhất kể từ Đại suy thoái thập niên 30. Chỉ trong vài tuần, thành tích tạo việc làm suốt cả thập kỷ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị xóa sổ vì Covid-19. Tiêu dùng cũng lao dốc khi các doanh nghiệp toàn quốc phải đóng cửa, còn hoạt động sản xuất co lại với tốc độ nhanh nhất kể từ khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ vẫn tăng liên tục hơn một tháng qua. Diễn biến trái chiều càng rõ rệt trong tuần này, khi chỉ số Nasdaq Composite đã lấy lại toàn bộ số điểm đã mất trong năm nay. Tổng cộng cả tuần, Nasdaq tăng 6%, S&P 500 tăng 3,5% và DJIA tăng 2,6%. Cả ba chỉ số đều đã tăng hơn 30% kể từ đáy ngày 23/3.
Theo giới phân tích, dưới đây là 5 lý do có thể giải thích cho diễn biến này.
1. Đặt cược vào sự hồi phục hình chữ V
Nhiều nhà phân tích đã bỏ qua các số liệu kinh tế ảm đạm và dự báo đà phục hồi tăng tốc khi các bang mở cửa lại. New York – bang chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch – đã lên kế hoạch mở cửa. Hơn 20 bang khác đã cho các doanh nghiệp hoạt động lại. Những tin tức này giúp nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh từ nay đến đầu năm sau.
Thêm vào đó, số ca nhiễm mới đã chững lại. Thị trường chứng khoán cũng tăng điểm mỗi khi có tin tức về tiến triển của vaccine. "Mọi người đang đặt cược đây là đáy. Thị trường thực sự đang phớt lờ thực tại kinh tế", R.J. Grant – Giám đốc Giao dịch Cổ phiếu tại KBW cho biết.
Bên cạnh đó, số liệu việc làm hôm qua và các dữ liệu đáng thất vọng khác không khiến nhiều người bất ngờ. Do từ vài tuần qua, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã lên tới hàng chục triệu.
Giới phân tích vẫn đang tích cực theo dõi các tín hiệu cho thấy nền kinh tế sắp chạm đáy. Goldman Sachs thu thập các số liệu như nhu cầu khí đốt, số lượt tải ứng dụng của Starbucks hay lượng đặt chỗ tại các nhà hàng trên website OpenTable. Nhu cầu khí đốt đã bắt đầu hồi phục trong tuần qua, các số liệu khác cũng vậy.
"Có nhiều tín hiệu nhỏ thôi, nhưng khá sớm, cho thấy cuộc sống đang dần bình thường trở lại", các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo hôm 7/5, "Chúng tôi hy vọng việc này sẽ tiếp tục".
2. Nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn tăng điểm
Cổ phiếu các đại gia công nghệ, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong các chỉ số, vẫn đang đi lên và là lực đẩy cho đà tăng của thị trường. "Không phải cả thị trường đều đi lên. Hiện tại là thời điểm tốt nhất với một số doanh nghiệp, nhưng cũng là tệ nhất với các doanh nghiệp khác", Giorgio Caputo – Giám đốc Danh mục đầu tư tại J O Hambro Capital Management nhận xét.
5 cổ phiếu công nghệ lớn – Microsoft, Apple, Amazon, Alphabet và Facebook đóng góp tới 20% trong S&P 500. Các công ty này đều hưởng lợi khi người Mỹ phải ở nhà trong đại dịch, dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội, giải trí và mua sắm trực tuyến. Cổ phiếu Amazon và Microsoft đã tăng 29% và 17% năm nay.
Nhóm năng lượng chịu tác động mạnh từ đại dịch thì chỉ chiếm 3% tỷ trọng trong chỉ số S&P 500. Việc này đồng nghĩa xu hướng thị trường sẽ ít chịu ảnh hưởng dù các cổ phiếu ngành này mất giá tới 35% năm nay.
3. Dự báo lợi nhuận doanh nghiệp vẫn cao
Đại dịch đã khiến hàng loạt công ty Mỹ phá sản, từ J.Crew Group đến Neiman Marcus và Diamond Offshore Drilling. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang đặt cược vào sự phục hồi nhanh chóng.
FactSet dự báo lợi nhuận trung bình của các công ty giảm 14% trong quý I – mạnh nhất kể từ năm 2009. Lợi nhuận sẽ chạm đáy trong quý hiện tại, với mức giảm 41%, và tăng lại 13% trong quý đầu năm sau.
"Dù triển vọng lợi nhuận vẫn còn nhiều thách thức, ít nhất là trong nửa đầu năm 2020, nhà đầu tư đang ngày càng phớt lờ tác động của Covid-19 đến các yếu tố nền tảng năm nay và hướng đến đà phục hồi năm 2021", JPMorgan Chase & Co nhận xét. Họ cũng dự báo chứng khoán Mỹ sẽ quay lại các đỉnh cũ trong nửa đầu năm sau.
4. Nhà đầu tư lo bỏ lỡ lợi nhuận
Nhiều nhà đầu tư luôn lo sợ bỏ lỡ đà phục hồi nhanh hơn dự kiến của thị trường. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính phủ Mỹ đã kích thích nền kinh tế bằng các gói cứu trợ khổng lồ, kéo niềm tin nhà đầu tư lên cao. Nếu thị trường chứng khoán hồi phục nhanh hơn dự kiến, nhiều người sẽ bị bỏ lại phía sau và hụt mất khoản lợi nhuận.
Vài năm gần đây, họ cũng chẳng có lựa chọn đầu tư nào thay thế được cổ phiếu. "Họ phải chấp nhận rủi ro. Một là đại dịch tiếp tục hoành hành. Hai là kinh tế phục hồi", Jim Paulsen – chiến lược gia tại Leuthold Group nhận xét.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng hồi phục kể từ khi Fed tung chính sách kích thích. Hôm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm là 0,679%. Trong khi đó, tỷ lệ cổ tức trên giá cổ phiếu (dividend yield) của các công ty trong S&P 500 là khoảng 2%.
5. Sự hỗ trợ của Fed
Các chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính phủ Mỹ đã củng cố đà tăng của thị trường. Fed đã tuyên bố rõ ràng rằng sẵn sàng can thiệp để kéo kinh tế lên. Tại sao lại không đặt cược vào thị trường khi ngân hàng trung ương sẵn sàng làm điều đó? "Bạn đừng quên đằng sau một thị trường chứng khoán là bao nhiêu chính sách", Paulsen nói.
Hà Thu (theo WSJ)