Ngành dầu mỏ bùng nổ tại Texas đã giúp trung tâm thương mại Neiman Marcus ở thành phố Dallas trở thành một trong những hãng bán lẻ đồ xa xỉ hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, một thế kỷ sau, Covid-19 lại khiến Neiman Marcus ngập trong nợ nần và phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm qua (7/5).
Neiman đã đóng các cửa hàng từ tháng 3 và cho phần lớn trong số 14.000 nhân viên nghỉ việc. Hiện tại chỉ có 10 địa điểm của họ hoạt động, chủ yếu tại Texas.
Đây là cái tên mới nhất trong ngành bán lẻ ở Mỹ xin phá sản để tái cấu trúc trong bối cảnh đại dịch khiến phần lớn nền kinh tế Mỹ tê liệt. Trước đó, danh sách này gồm nhiều thương hiệu nổi tiếng một thời như Sears, Toys "R" Us, RadioShack, Barneys New York...
Neiman xin bảo hộ phá sản để tìm cách xóa 4 tỷ USD trong tổng nợ khoảng 5,1 tỷ USD. Các chủ nợ sẽ trở thành chủ sở hữu chính của nhà bán lẻ này.
Tuy nhiên, Neiman chưa lập kế hoạch đóng cửa hàng loạt cơ sở hay bán bớt tài sản trong quá trình tái cấu trúc. Hãng bán lẻ này cũng đã được các chủ nợ đồng ý cấp cho 675 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động trong khi tái cấu trúc.
"Doanh nghiệp của chúng tôi vẫn đi đúng hướng trước Covid-19. Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, trừ khoản lãi khổng lồ. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến tình hình chệch khỏi quỹ đạo và đây là lúc để thiết lập lại cấu trúc tài chính", Geoffroy van Raemdonck - CEO Neiman cho biết.
Việc người tiêu dùng chuyển dần sang mua sắm trực tuyến, và các thương hiệu xa xỉ mở cửa hàng riêng cũng khiến các trung tâm thương mại như Neiman mất dần sức hấp dẫn, kể cả với nhóm khách hàng giàu có. Neiman đã tồn tại 112 năm, nổi tiếng với việc bán đầm dạ hội 5.000 USD và những chiếc túi thiết kế 3.000 USD.
Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng đó, hãng bán lẻ này gần đây chật vật với khoản nợ 5,1 tỷ USD. Vài năm qua, phần lớn lợi nhuận của họ dùng để chi trả khoản nợ này.
Tú Anh (theo WSJ)