Suy thoái kinh tế nếu kéo dài sẽ làm phai nhạt những thành tích lẫy lừng về thúc đẩy nền kinh tế trước đó của Trump. Nó cũng có thể mở ra cơ hội cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, người đã giúp đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế lần trước dưới thời chính quyền Obama.
Các số liệu công bố mỗi ngày tại Mỹ đang cho thấy những gì ban đầu gọi là "cắt giảm công việc tạm thời" có thể thành "sa thải vĩnh viễn". Chẳng hạn, GE, Airbnb và United Airlines tuần này tuyên bố cắt giảm hàng nghìn vị trí do kinh doanh yếu ớt. Tin tức về diễn biến còn phức tạp của đại dịch có thể cản trở việc phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế.
Trong nhiều tuần đầu năm, ông Trump đã phủ nhận và coi mối đe dọa từ Covid-19 là rất nhỏ. Tuy nhiên, giờ ông phải thay đổi quan điểm. "Chúng ta đã phải trải qua một cuộc tấn công tồi tệ nhất trên đất nước này", ông nói hôm thứ tư (6/5). Tổng thống đang kêu gọi mở cửa trưởng học và nói rằng nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng khi tình trạng khẩn cấp sớm kết thúc.
Giảm lợi thế trong tranh cử
Tin tức kinh tế ngày càng xấu có thể tạo ra một chiều hướng mới trong cuộc chạy đua giành ghế tổng thống vào tháng 11 giữa Trump và cựu Phó tổng thống Biden. Tổng thống đương nhiệm đã chịu áp lực không nhỏ về cách quản lý thất thường của ông về Covid-19, khi ban đầu ông cam đoan rằng đại dịch không gây ra mối đe dọa.
Kinh tế nói chung là một lĩnh vực mà Trump có lợi thế trong ba năm cầm quyền. Nhưng các cử tri bây giờ sẽ hỏi, liệu Trump có phải là ứng cử viên sáng giá nhất để đưa đất nước ra khỏi đại dịch và giúp nền kinh tế đổ vỡ phục hồi.
Một cuộc thăm dò của Đại học Monmouth tuần này cho thấy, Biden đã mở rộng ưu thế của mình trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Các cuộc thăm dò khác cũng cho thấy cựu phó tổng thống đang dẫn trước. Trong khi đó, hôm 6/5, Trump nhấn mạnh rằng không thể đổ lỗi cho ông khi nền kinh tế bị sụt giảm vì đại dịch và ông chính là lựa chọn lý tưởng để mang lại những khoảng thời gian tốt đẹp.
"Tôi đã xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất - với rất nhiều người vĩ đại - mà chúng ta từng có, và tôi sẽ xây dựng lại nó một lần nữa", ông tuyên bố, "Chúng ta sẽ có một nền kinh tế tuyệt vời rất sớm. Sớm hơn nhiều so với mọi người nghĩ."
Tỷ lệ thất nghiệp
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn tăng, đã hơn 30 triệu người kể từ khi nền kinh tế bị đình trệ vì đại dịch. Chính quyền Trump cũng đang chuẩn bị cho khả năng số liệu thất nghiệp cuối tuần này sẽ được chốt ở mức cao nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở mức 16%. Số việc làm được tạo mới trong 10 năm qua có thể sẽ bị xóa sổ trong vài tháng.
Một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của tổng thống, Kevin Hassett, đã sẵn sàng đón tỷ lệ thất nghiệp tới 20%, tức cao hơn 15 điểm phần trăm so với thành tích "thấp nhất trong 50 năm" mà Trump đã ăn mừng trước đại dịch. Tình hình ngày càng khiến Trump khó xử hơn khi phải vừa giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng vừa phải tìm cách duy trì sinh kế cho người dân.
Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết hôm 6/5 rằng 4,1 triệu người đã mất việc tại bang này. "Những con số rất gây sốc và đáng báo động," ông nói.
Lo chống suy thoái hơn chống dịch
Trump hiện công khai chiến dịch đưa đất nước mở cửa trở lại, dù các nghiên cứu chỉ ra nhiều nguy cơ về sức khỏe. "Chúng ta phải là những chiến binh. Chúng ta không thể đóng cửa đất nước trong nhiều năm", tổng thống cho rằng nhiều người cũng sẽ không ủng hộ việc đóng cửa như vậy.
Đang có nhiều cuộc biểu tình của phe bảo thủ phản đối các thống đốc bang đóng cửa nền kinh tế nhưng một số cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy nhiều người Mỹ cảnh giác với việc nối lại cuộc sống bình thường.
Gần hai phần ba số người được hỏi trong cuộc thăm dò của Monmouth lo ngại rằng các bang bắt đầu dỡ bỏ hạn chế quá nhanh. Trong khi đó, 33% đồng quan điểm với tổng thống về việc ngăn nền kinh tế lún sâu vào suy thoái là quan trọng hơn ngăn chặn dịch bệnh.
Có một số nguy cơ nhất định về khả năng tổn thương lớn hơn của nền kinh tế khi xét đến diễn biến của đại dịch trong và ngoài nước Mỹ. Trong khi New York và New Jersey đang chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều tiểu bang được cho là chưa đạt đến đỉnh dịch.
Ở bên ngoài, các nhà khoa học cho rằng những quốc gia đang mở cửa trở lại trong bối cảnh không có các chương trình xét nghiệm và truy vết lây nhiễm mạnh mẽ có thể dẫn đến sự gia tăng đột biến mới, tạo ra cú sốc kinh tế thứ hai. Với thời gian ủ bệnh dài, sẽ mất vài tuần trước khi kết quả của các nới lỏng hạn chế bắt đầu hiển hiện.
Nhiều tiểu bang đang cho mở lại kinh doanh gần như không đáp ứng đủ thời gian 14 ngày cách ly sau ca nhiễm mà Nhà Trắng khuyến nghị. Ví dụ, tại Texas, nơi Thống đốc Greg Abbott cho phép các nhà hàng đón khách, đã có 1.000 trường hợp nhiễm bệnh mới được báo cáo hôm 6/5.
Nếu dịch xuất hiện trên diện tích rộng hơn các khu vực đã bị ảnh hưởng trước đây thì hậu quả đối với nền kinh tế có thể còn nghiêm trọng hơn. Các công việc dịch vụ trong các lĩnh vực như nhà hàng, giải trí và du lịch khó có thể phục hồi khi công chúng cảnh giác về việc đi ra ngoài.
Dịch bệnh gia tăng cũng có thể gây thiệt hại cho ngành y tế. Một số công việc gần đây trong ngành bận rộn hơn nhưng cùng với đó nhiều dịch vụ bị cấm, như các cuộc phẫu thuật tự chọn hoặc hẹn thăm khám thường lệ đã bị hủy bỏ.
Phiên An (theo CNN)