Xét về góc độ vi mô, cá nhân thì điều đó là lẽ đương nhiên. Nhưng tôi lại có một góc nhìn khác. Đây không đơn giản là ở góc độ cá nhân mà là của toàn xã hội.
Thứ nhất, giáo dục và y tế là những ngành có đối tượng làm việc là con người, một nghề trồng người, một nghề cứu người nên không thể so sánh với các nghề tạo ra những sản phẩm vô tri vô giác.
Thứ hai, tôi làm việc trong môi trường giáo dục và tuyệt nhiên chưa hề thấy bất cứ giáo viên nào tự nhận họ đang làm một công việc cao quý. Những mỹ từ về giáo viên đều là do xã hội dành cho. Để làm gì thì mỗi người có một quan điểm, tôi xin phép không nói ra.
Thứ ba, giáo viên là một nghề như bao nghề khác ư? Nhưng để làm được các nghề cần chuyên môn cao thì cần có bằng đại học, để làm được các nghề có chuyên môn thấp thì ít nhất cũng phải tốt nghiệp cấp ba?
Mà có ai tự học ở nhà từ nhỏ mà tốt nghiệp cấp ba, tốt nghiệp đại học được chưa? Vậy giáo viên có thật sự là một nghề như bao nghề khác không?
Thứ tư, nếu nói giáo viên là một ngành nghề như bao nghề khác thì chúng ta sẽ nhận được sản phẩm tương xứng với giá tiền chúng ta bỏ ra và bỏ ra một số tiền thấp thì có nhận lại được một sản phẩm tốt không? Và một xã hội có chất lượng giáo dục "thấp" có phải là một xã hội vững mạnh không?
Đồng ý rằng các trường tư có chất lượng giáo dục rất tốt nhưng họ lại không đại diện cho bộ mặt của ngành giáo dục, nhất là với một đất nước đang phát triển như Việt Nam.
Đúng, "ai thấy lương thấp thì chuyển nghề đi", đó là một lẽ dĩ nhiên. Nhưng với cái vòng lặp: Thiếu nhân sự, nhân sự trẻ bù đắp rồi lại chuyển nghề tiếp thì tương lai của ngành giáo dục (và y tế) sẽ đi về đâu?
Nếu một xã hội mà ở đó ngành giáo dục và y tế thiếu nhân lực và có chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của một quốc gia?
Trunksleessj4
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.