16 năm trước, anh Phương, tốt nghiệp trung cấp ngành trắc địa về công tác tại một xã thuộc huyện Bình Chánh với mức lương 680.000 đồng mỗi tháng. Năm 2010, anh đỗ kỳ thi tuyển công chức của thành phố, được phân về xã khác cách nhà 45 phút chạy xe. Ở chỗ mới anh phụ trách địa chính, xây dựng, nông nghiệp, môi trường với lương khởi điểm gần hai triệu đồng.
Lương thấp, không đủ nuôi con, anh Phương định bỏ việc ra lập công ty về đo đạc địa chính nhưng vợ ngăn cản. "Cô ấy nói chỉ một người ra ngoài kiếm tiền, tôi ở lại nhà nước để rèn mình, cho hai con trai noi theo", anh Phương kể. Vợ anh từng làm phó chủ tịch mặt trận xã nhưng đã nghỉ việc cũng với lý do lương quá thấp, không đủ sống. Sau đó, chị làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận.
Bị vợ thuyết phục, anh Phương quyết định nhận công tác ở xã mới, sau đó đăng ký học thêm chuyên ngành quản lý đất đai. Có được bằng đại học, anh được hỗ trợ thêm 600.000 đồng mỗi tháng. Đến nay, sau nhiều lần nâng lương, cộng với các khoản hỗ trợ cho công chức hưởng lương dưới bậc 3, thu nhập mỗi tháng của anh gần 6 triệu đồng.
"Bằng 1/3 thu nhập của vợ", anh Phương nói. Từ năm 2018, thành phố ban hành Nghị quyết 03 về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, anh Phương có thêm một khoản để phụ vợ. Nam công chức ví von khoản tăng thêm là tiền tăng ca cho những ngày phải làm ngoài giờ, bất kể thứ 7, chủ nhật để hoàn thành tốt công việc ở một xã đông dân.
Thu nhập không cao, lại thêm hai đứa con tuổi ăn học, gia đình anh Phương phải sống gói ghém, hạn chế mua sắm hoặc đi ra ngoài để không phải tiêu tiền. Gần 15 năm qua, vợ anh vẫn giữ thói quen dậy sớm nấu cơm. Cả nhà cùng ăn sáng, anh mang cơm đi làm, chị ăn ở nhà máy, phần còn lại để hai con ăn trưa. Hôm nào chị tăng ca, anh bận việc ở xã về trễ, con trai 15 tuổi sẽ nấu cơm tối cho ba bố con, "nhất quyết không ăn ở ngoài".
Từ kỳ lương tháng 7, vợ anh thêm được gần 500.000 đồng do công ty điều chỉnh theo lương tối thiểu vùng. Phần anh, ba năm qua lương cơ sở không nhúc nhích trong khi giá cả tăng chóng mặt. "Vợ tôi phải gồng gánh chi phí cho cả nhà. Một ký rau muống từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng, bìa đậu phụ cũng tăng 1.000 đồng, gói mì, quả trứng đều tăng...", anh Phương liệt kê những thực phẩm gia đình hay dùng và cho hay "đang cố gắng tiết kiệm hơn để không phải vay nợ".
Cũng là cán bộ cấp xã, chị Trần Ngọc Hiếu, 38 tuổi, Phó chủ tịch hội phụ nữ một phường ở quận 4, tranh thủ bán hàng online để có thêm thu nhập. Đồng hồ vừa điểm 11h30, giữa cái nắng 35 độ C, chị Hiếu vội vàng sắp xếp đồ đạc, rời ủy ban phường về nhà cách đó khoảng 6 km.
"Tôi về nấu cơm ăn với con và tranh thủ giao hàng", chị Hiếu nói. Chồng chị cũng là công chức, tổng lương hai người là 13 triệu đồng, trong đó phần của chị 5 triệu đồng. Chị Hiếu nói rằng trước đây chắt bóp cũng đủ sống nhưng hai năm qua, dịch bệnh, giá cả tăng cao, quá nhiều khoản phát sinh nên gia đình luôn thiếu trước hụt sau.
Để trang trải, từ cuối năm 2020, chị nhập thạch rau câu, lạp xưởng tươi rồi rao bán sỉ, lẻ trên mạng. Không muốn tốn thêm chi phí cho shipper, chị tranh thủ buổi trưa, chiều tối hoặc ngày nghỉ để gom hàng giao cho khách. Nữ cán bộ phường nói rằng ngoài công việc của hội phụ nữ, chị phải kiêm thêm công tác dân tộc – tôn giáo và công đoàn, tương đương công việc của hai người.
"Phải làm việc cật lực mới đáp ứng yêu cầu", chị nói và cho biết Hội phụ nữ phường có ba chi hội, 44 tổ hội với gần 3.000 hội viên nhưng chỉ có hai người điều hành là chị và chủ tịch hội. Chưa kể, vốn thuộc cán bộ không chuyên trách nên dù có thâm niên, chị chỉ được nhận một mức lương duy nhất. Làm công tác đoàn thể nên nhiều hôm chị phải tranh thủ làm ngoài giờ hành chính để gặp gỡ người dân, nhưng cũng không được hỗ trợ tiền ngoài giờ.
"Tôi không đòi hỏi lương phải quá cao nhưng hy vọng đủ sống để có thể gắn bó lâu dài với công việc", chị Hiếu nói.
Chị Hiếu, anh Phương là những cán bộ cơ sở điển hình ở TP HCM phải chi tiêu dè xẻn, sống chật vật với lương nhà nước. Phó chủ tịch UBND một quận ngoại thành TP HCM nói ba năm qua cán bộ, công chức, viên chức sống lay lắt, đặc biệt đội ngũ làm việc ở phường. Khi dịch bùng phát, nhiều người gần như không có ngày nghỉ nhưng lương, phụ cấp không xứng đáng. Giá cả tăng nhanh, lương cơ sở mãi đứng yên như giọt nước tràn ly khiến nhiều cán bộ muốn nghỉ việc, cấp trên phải động viên ở lại.
"Đa phần cán bộ là người địa phương, mình phải lấy yếu tố uy tín gia đình ra thuyết phục ở lại", nữ lãnh đạo quận nói.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, trong vòng 6 năm, thu nhập bình quân gồm lương, các khoản phụ cấp của lao động làm công ăn lương trong khu vực nhà nước tại thành phố tăng chưa đến hai triệu đồng, trung bình mỗi năm tăng 319.000 đồng. Năm 2021, thu nhập bình quân của cán bộ, công chức, viên chức ở thành phố đạt gần 8,86 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, một số ngành thu nhập chưa đến 8 triệu đồng như giáo dục, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống...
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, nêu trường hợp một người quen là công chức phường, trình độ đại học, bậc lương khởi điểm 2,34. Sau 15 năm công tác bậc lương người này lên 4,98 do cứ ba năm được tăng 0,33. Với mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng nhân với hệ số bậc, người quen của bà được gần 7,5 triệu đồng, chưa trừ các khoản bảo hiểm xã hội.
"Để có thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng, anh đó phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, đi làm cả thứ 7, chủ nhật, có khi họp hành đến 9-10 giờ đêm", bà Thúy nói. Hiện nay, những cán bộ phường, xã bán chuyên trách, trình độ đại học lương khởi điểm mỗi tháng chưa đến 3,4 triệu đồng sống rất chật vật. Nếu vợ chồng cùng làm nhà nước sẽ càng khó hơn. Nhiều người phải bán hàng online, làm thêm nhiều nghề mới đủ sống, lo được cho con, trả tiền thuê trọ.
"Cán bộ trẻ gần như không có tích lũy. Muốn mua điện thoại, xe máy phải vay mượn hoặc trả góp", bà Thúy nói. Mấy năm qua, thành phố thí điểm thực hiện Nghị quyết 54, cán bộ, công chức, viên chức có khoản thu nhập tăng thêm cũng cải thiện phần nào, song "chỉ mang tính ngắn hạn". Nhiều người rất lo lắng khi thời gian thực hiện Nghị quyết sắp kết thúc trong khi giá cả tăng quá cao.
Ở khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, nói lương quá thấp khiến cán bộ, công chức đã phải làm nhiều việc để có thêm thu nhập. Như vậy công chức đã sử dụng danh tiếng của cơ quan, vị trí, thời gian công để làm thêm bên ngoài, kiếm thêm thu nhập.
"Việc này là vi phạm đạo đức công vụ. Ở một số nước, điều này là cấm kỵ nhưng nước ta lại bình thường vì lương cứng cán bộ, công chức khá thấp", ông Lộc nói và cho biết một số cơ quan còn khuyến khích cán bộ đi làm. Không ít lãnh đạo đơn vị phải để cấp dưới làm thêm bên ngoài hoặc kiếm dự án về cùng làm để có nguồn chia nhau. Việc này giúp cán bộ tăng thu nhập, giải quyết khó khăn cuộc sống cũng là cách gián tiếp giữ họ ở lại với khu vực nhà nước.
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức... thực hiện vào tháng 7/2021, nhưng dịch kéo dài, chủ trương này liên tục phải lùi. Sau ba lần lỡ hẹn, hiện mức lương thấp nhất của công chức đại học chỉ gần 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, lương đủ sống của lao động ở TP HCM năm 2020 phải đạt ít nhất 7,5 triệu đồng mỗi tháng, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động.
* Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.
Lê Tuyết – Thu Hằng