Chị Huỳnh Thị Mỹ Hiếu, 30 tuổi và chồng, 32 tuổi, cùng làm việc tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Nếu trong tháng vợ chồng Hiếu đi đủ 22 ngày công, mỗi ca làm việc 12 giờ, trong đó 2,5 giờ làm thêm thì tổng thu nhập của cả hai tầm 14 triệu đồng.
Nhà trọ, điện nước khoảng 2,5 triệu đồng. Hơn 2 triệu đồng để chủ nhà giúp đưa đón, cho con gái 8 tuổi ăn uống khi vợ chồng tăng ca. Phần còn lại dành cho tiền học hàng tháng, cơm nước cả nhà, xăng xe đi lại... Nữ công nhân xòe bàn tay liệt kê gần chục khoản phải chi. Tháng nào không đau bệnh, tăng ca đều thì vừa đủ, không phải vay mượn thêm. Nếu không làm thêm giờ, tổng thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 10 triệu đồng.
"Lương căn bản chỉ được từng đấy. Hai năm rồi nhà nước không tăng lương nên không thể đòi hỏi gì thêm", Hiếu nói. Trước đợt dịch thứ 4, nhà máy thay đổi thời gian làm việc, vợ chồng làm đủ 8 tiếng rồi ra về, cuối tháng, nhìn lương vào tài khoản mà "rớt nước mắt". Dịch ập đến, chị nhiễm Covid-19 nên cả hai tạm nghỉ việc. Không có tiền để dành nhưng có quá nhiều thứ phải chi, nữ công nhân đành gọi về cho mẹ ở Bình Định mượn tạm. Hơn nửa năm qua, chị vẫn chưa xoay được 10 triệu đồng gửi lại cho mẹ.
"Chiếc xe máy quá cũ nên năm ngoái chúng tôi mới không theo dòng người hồi hương", chị Hiếu nhớ lại.
Sống chật vật với lương không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình chị Mỹ Hiếu. Theo TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, dựa vào phương pháp tính "Lương đủ sống Anker" tức mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường, tức mỗi ngày 8 tiếng, đủ để duy trì mức sống bình thường cho bản thân và gia đình tại TP HCM (thuộc vùng I) vào năm 2020 là 7,5 triệu đồng. Sau hơn hai năm dịch lan rộng với hàng loạt chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng dịch phát sinh, chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 7%, mức lương đủ sống hiện tại phải cao hơn.
Một khảo sát khác của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho thấy trên 90% các nhà máy trả lương căn bản cho người lao động với 8 tiếng làm việc, chỉ cao hơn mức tối thiểu vùng (cao nhất vùng I: 4,42 triệu đồng, thấp nhất vùng IV: 3,07 triệu đồng) từ 7-10%. Theo TS Chi, như vậy đại đa số công nhân không được trả lương ở mức đủ sống. Để bù đắp chi phí họ phải tăng ca.
"Tăng ca để nâng thu nhập nhưng lại phải mất tiền gửi con, sức khỏe suy giảm. Về lâu dài lại tốn chi phí cho y tế", nữ tiến sĩ nói và cho rằng đây là vòng luẩn quẩn mà hầu như công nhân nào cũng mắc phải. Ngoài ra, theo ghi nhận của Trung tâm, lương không đủ sống cùng với chi phí ở thành phố đắt đỏ là hai nguyên nhân rõ ràng nhất khiến người lao động ở các tỉnh, thành phía Nam ồ ạt hồi hương khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
Tương tự, theo khảo sát về việc làm, đời sống của lao động nữ ngành may do Liên đoàn lao động TP HCM vừa công bố đầu năm nay cho thấy thu nhập bình quân mỗi tháng của nhóm này chỉ đạt 6,8 triệu đồng, hầu hết công nhân phải làm thêm giờ. Trong đó trên 20% có thu nhập mỗi tháng chưa đến 5 triệu đồng. Mức thu nhập 5-8 triệu đồng chiếm đến 60%.
Khảo sát của công đoàn TP HCM cũng chỉ ra gần 42% công nhân cho rằng với thu nhập hiện nay, bản thân và gia đình có mức sống thiếu thốn. Do đó, họ gần như không tiết kiệm được gì từ tiền lương, gặp sự cố bất thường xảy ra sẽ không có khoản nào để chi.
Chưa kể, công nhân thường xuyên phải vay nợ từ bạn bè, người thân để bù đắp phần thiếu hụt, không ít trường hợp vay xã hội đen với lãi suất cao. Nhiều nữ công nhân chia sẻ vì mức sống quá thấp nên rất khó khăn để quyết định sinh con. Chính vì không tích lũy nên trên 60% công nhân được hỏi đều trả lời "sẵn sàng rút bảo hiểm xã hội một lần" để có khoản chi phí lo cho gia đình.
Theo TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, sau Tết Nhâm Dần, mức lương mà các nhà máy trả cho người lao động có cải thiện so với cuối quý 4/2021, tuy nhiên vẫn thấp so với trước khi Covid-19 bùng phát.
"Giá cả tăng, hàng loạt chi phí phát sinh do dịch cùng với từ tháng 1/2021 không điều chỉnh lương tối thiểu vùng khiến cho đời sống công nhân thêm khó khăn", ông Tiến nói. Mức lương căn bản các nhà máy trả cho người lao động đang bám rất sát vào lương tối thiểu vùng, chỉ cao hơn 7-10%. Đây cũng là cơ sở để tính tiền làm thêm giờ, đóng bảo hiểm xã hội, các khoản hỗ trợ, thưởng Tết...
"Chậm điều chỉnh lương tối thiểu là mắc nợ người lao động vì càng kéo dài họ càng thiệt thòi", TS Vũ Minh Tiến nói và cho rằng công nhân đóng góp rất lớn vào nền kinh tế nhưng lại thụ hưởng ít.
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn dẫn chứng bất chấp dịch bệnh, giãn cách kéo dài, phần lớn công nhân vẫn làm việc. Họ đã trực tiếp đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số liệu Tổng cục thống kê, ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% so với trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, những ngành sử dụng đông công nhân nhất, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ông Tiến cho rằng cần sớm điều chỉnh lương tối thiểu nhằm đảm bảo công bằng cho người lao động, "để họ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động". Theo ghi nhận của Viện Công nhân và Công đoàn, hầu hết công nhân đều phải làm thêm 2-4 tiếng mỗi ngày mới có thu nhập đủ sống. Nếu nhà máy không tổ chức tăng ca, họ sẽ bán hàng rong, chạy xe công nghệ, giao hàng hoặc xin làm thêm ở một doanh nghiệp khác.
Trong khi chờ lương tăng, vợ chồng chị Huỳnh Thị Mỹ Hiếu chỉ mong được tăng ca mỗi ngày để có thêm thu nhập. Trước mắt nữ công nhân ước sớm gom đủ 10 triệu đồng để trả nợ. Chị không dám nghĩ nhiều đến tương lai ở thành phố bởi cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Mỹ Hiếu nói rằng có thể vài năm nữa cả nhà sẽ hồi hương, tìm một nhà máy ở quê để tiếp tục làm công nhân, hoặc quay về với mảnh ruộng của ông bà.
Lê Tuyết