Chồng chị Ngọc - anh Dương Văn Thanh, công nhân bảo trì máy của xưởng sản xuất Công ty Dinsen Việt Nam đóng ở quận Tân Phú. Gần năm nay, sau giờ làm, anh tranh thủ chạy xe ôm công nghệ, mỗi tối kiếm hơn trăm nghìn đồng. Nhưng từ khi dịch bùng phát mạnh, anh xách xe chạy cả buổi chẳng "nổ" được cuốc nào. Hơn tháng qua, nhà máy gấp rút chuyển về Long An, không thể theo được vì quãng đường quá xa, nam công nhân xin nghỉ việc.
Chị Ngọc cho hay, trước đây tổng lương mỗi tháng của vợ chồng được hơn chục triệu đồng. Để thêm tiền trang trải chi phí học hành của hai đứa con, tiền trọ, đi lại, ăn uống, chồng chạy xe ôm kiếm thêm, nữ công nhân nhận trứng gà, cá viên chiên từ người quen ở chợ đầu mối Hóc Môn về bán cho những người chung xóm trọ, đồng nghiệp công ty.
Từ hôm Sài Gòn bùng phát dịch, việc buôn bán của chị Ngọc không còn thuận lợi. Tuần rồi chị dừng hẳn do nguồn hàng bị đứt, chợ đầu mối tạm đóng cửa phòng dịch. Để cầm cự, cả nhà phải tiết kiệm tối đa bởi khi chồng mất việc, gia đình chỉ còn trông vào tiền lương mỗi tháng 5 triệu đồng của chị.
"Cha mẹ ăn ít lại nhường cho hai con đang tuổi ăn, tuổi lớn", nữ công nhân nói và cho biết thêm khi nghe thông tin thành phố dẹp chợ tự phát chị tranh thủ mua ít bí, bắp cải, khô cá để dành ăn dần. Cuối tuần rồi, chị muốn cải thiện bữa ăn cho cả nhà, mua ít xương đầu heo, cà rốt, củ cải mỗi thứ một ít về hầm mà hết gần 100.000 đồng trong khi ngày thường chỉ mất chừng 50.000 đồng.
Đến một số nhà máy xin việc nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, anh Thanh nói rằng sẽ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp "đặng thêm ít đồng phụ vợ đi chợ", sau đó đăng ký chạy giao hàng. "Chỉ mong mỗi ngày kiếm thêm được chừng trăm ngàn đồng, gom cuối tháng đủ trả nợ mua xe còn thiếu", nam công nhân nói.
Cách phòng trọ của gia đình chị Ngọc mấy bước chân, bà Lê Thị Tuyết, 54 tuổi, vừa nhận thông báo của nhà máy tiếp tục nghỉ thêm hai tuần do dịch diễn biến phức tạp. Bà Tuyết phụ trách bếp cho công ty giày da ở huyện Hóc Môn. Tháng trước, một nửa nhà máy phải nghỉ làm để đảm bảo giãn cách, số còn lại được công ty hỗ trợ tiền cơm, ăn uống tại nhà nên bộ phận bếp tạm nghỉ.
Bà Tuyết được công ty nhận vào làm việc với lương mỗi tháng 5 triệu đồng. Do không được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm nên khi nghỉ việc bà không nhận hỗ trợ từ nhà máy. Hơn tháng qua, chi tiêu của hai mẹ con trên thành phố và người chồng ở quê trông vào tiền lương mỗi tháng hơn 5 triệu đồng của con gái.
Lên Sài Gòn khi đã ngoài 50 tuổi, người phụ nữ quê An Giang kể trước kia có tiệm ăn nhỏ chuyên phục vụ đội bốc vác ở cảng Tân Châu. Nhưng mấy năm gần đây, thanh niên kéo nhau lên TP HCM, Bình Dương làm công nhân, quầy hàng của bà ế ẩm. Bán ngày càng lỗ, bà dẹp tiệm lên thành phố làm thuê với con gái.
"Lên đây chưa đầy 5 năm mà dính mấy đợt dịch, cực ngang ở quê, nghỉ việc không có tiền mà cái gì cũng đắt. Từ hôm chợ cóc bị dẹp, nhiều người lợi dụng tăng giá, đi mua nắm rau, con khô thôi mà hết mớ tiền", bà Tuyết liệt kê bó rau muống trước dịch chỉ 5.000 đồng giờ lên giá gấp đôi; một ký bắp cải trắng 40.000 đồng trong khi mới mấy hôm trước chỉ vài ngàn đồng.
"Nếu dịch còn kéo dài, công ty cho nghỉ việc lâu, tôi sẽ chuyển sang bán đồ ăn sáng, trước mắt giao tận nhà cho các phòng trọ xung quanh", bà Tuyết nói.
TP HCM hiện có 1,6 triệu công nhân và lao động. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn cho hay, đợt dịch thứ tư kéo dài hơn các lần trước, khiến nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ không trụ lại được. Thống kê có khoảng 50.000 - 60.000 lao động mất việc làm sau những đợt giãn cách. Công nhân mất sinh kế, không có tiền dự trữ nên rất khó khăn.
Thông tin từ Liên đoàn lao động TP HCM, trong 6 ngày (từ 18 đến 24/6) có gần 20.000 lao động phải tạm nghỉ việc vì dịch. Trong đó, 483 người là F0, gần 5.000 F1, 13.000 người phải cách ly tại nhà. Công đoàn các cấp đã hỗ trợ các khu nhà trọ bị cách ly nhu yếu phẩm và các vật dụng sinh hoạt cá nhân với tổng số tiền 7,6 tỷ đồng. Mới đây thành phố đã thông qua gói gần 900 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Hồ Xuân Lâm cho biết công nhân bị nghỉ việc và cách ly vì Covid-19 sẽ được doanh nghiệp trả tiền lương trên tinh thần thỏa thuận với người lao động nhưng không thấp hơn mức tối thiểu vùng. Công đoàn sẽ hỗ trợ lao động bị nhiễm nCoV hoặc phải nghỉ việc, cách ly với mức cao nhất là 3 triệu đồng. Lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm 500.000 đồng...
Lê Tuyết