Chuông vào ca vang lên lúc 7h, nữ công nhân Lê Thị Thủy, 33 tuổi, xoay xoay cổ tay, bắt đầu những thao tác quen thuộc hơn 10 năm tại công ty điện tử đóng tại khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). 19h, sau khi tăng ca gần 3 tiếng, nữ công nhân vội vàng rời nhà máy. 30 phút sau người mẹ trẻ có mặt ở nhà chuẩn bị bữa tối. Mất một giờ nữa, cả nhà ngồi vào mâm cơm. Dọn dẹp nhà cửa xong gần 23h, đứa con trai 3 tuổi ôm khư khư chân mẹ vì cả ngày thiếu hơi.
Công ty chị Thủy làm theo chế độ 2 ca. Ca sáng lúc 7h đến 16h30, sau đó tăng ca đến 19h; ca đêm từ 19h đến 4h30 sáng hôm sau, tăng ca đến 7h. Làm liên tục 4 ngày, nghỉ 2 ngày và đổi ca. Tuy nhiên, chị Thủy và nhiều đồng nghiệp hầu như không sử dụng ngày nghỉ. Ngoài tăng ca ngày, đêm, mọi người còn đăng ký làm thêm ngày nghỉ bởi tiền lương gấp đôi.
"Tháng nào tăng nhiều hơn 160 giờ, ít cỡ 50, cộng lại cả 1.000 giờ mỗi năm", chị Thuỷ nói và nhớ lại thời kỳ vất vả nhất cách đây gần 3 năm khi hết kỳ thai sản, những đêm tăng ca con đòi sữa mẹ khóc lạc giọng. Trong khi chị ở công ty, hai bầu sữa căng tức, đau nhức. Người mẹ trẻ tranh thủ giờ nghỉ giữa ca vắt ra, mua đá ở căn tin trữ lạnh. Chồng chạy xe máy giữa đêm từ nhà lên công ty lấy sữa về.
Công ty có khoảng 1.500 người, hơn 75% là nữ. Ở chuyền của chị Thuỷ, nhiều đồng nghiệp phải gửi con về quê, mẹ uống thuốc dứt sữa khi con tròn 6 tháng. Do đó dù vất vả, nữ công nhân nhận mình may mắn khi có bà nội vào phụ chăm, con được bú sữa mẹ đến một năm.
Được gần con đồng nghĩa với chi phí tăng lên. Vợ chồng chị Thuỷ thuê căn nhà nhỏ trên đường Lê Văn Việt, tính cả điện nước mỗi tháng gần 4 triệu đồng. Ăn uống, bỉm sữa cho con, đám tiệc, chữa bệnh... nên lương mỗi tháng 7 triệu đồng, gia đình xài hết vèo tháng đó. Thu nhập của chồng cũng không cao, để bù phần thiếu hụt, nữ công nhân tăng ca gần như nguyên tháng, với chừng 100 giờ, tổng lương hơn 13 triệu đồng, chỉ nghỉ khi công ty tạm thời hết vật liệu.
"Không biết sức mình trụ được tăng ca bao lâu nhưng tôi không muốn chuyển công ty khác", chị Thuỷ nói và lý giải vì làm thêm giờ có thêm tiền vẫn tốt hơn được nghỉ sớm, khỏe thân mà lương quá thấp không đủ sống.
Gần tuần nay, Nguyễn Thành Luân và Hoàng Kim Quân ở chung phòng trọ trên đường Lò Lu, phường Trường Thạnh (TP Thủ Đức) mới chạm mặt nhau. Cả hai cùng tuổi 24, quê Đăk Lăk, làm khác công ty. Tuần rồi Luân đi ca đêm, Quân đi ca ngày, đôi bạn như "mặt trăng với mặt trời" không bao giờ chạm mặt. Làm việc liên tục 12 tiếng ở nhà máy, 3 bữa ăn cũng ở đấy nên hai người không sắm sửa gì dù ở Sài Gòn ngót chục năm. Phòng trọ 9 m2 tuềnh toàng, cái quạt máy chạy lục cục, rung lắc được xem là vật dụng có giá trị.
Luân khoe mỗi tháng tăng ca gần 100 giờ, tổng tiền lương được gần 15 triệu đồng. Trừ tiền trọ hơn một triệu đồng, xăng xe đi lại, thuốc lá không hút, nhậu nhẹt hạn chế, thanh niên trẻ quyết định gửi 10 triệu đồng phụ bố mẹ trả nợ đầu tư vườn tiêu thất bại, nuôi hai đứa em ăn học.
Còn Quân làm ở bộ phận kho của một công ty in, lương cơ bản thấp hơn Luân nên dù tăng ca đều, tháng này cậu chỉ nhận được hơn chục triệu đồng. Giống người bạn cùng phòng, sau khi để dành một chút cho bản thân, mỗi tháng cậu chuyển 3 triệu đồng cho đứa em đang học năm nhất đại học ở Đà Nẵng. Quân chỉ mong sau này em trai tốt nghiệp kỹ sư, có trình độ đi làm đỡ cực.
Đôi bạn đồng ý với nhau, tăng ca nhiều giúp tiết kiệm chi phí, ăn uống trên công ty, lương gấp đôi, không có thời gian tiêu nên để dành được nhiều. "Chỉ tiếc là không có bạn gái nào muốn quen", Quân nói rằng mình từng yêu nhưng chia tay do không có thời gian hẹn hò, đi cà phê, xem phim, "riết người ta cũng chán".
Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất - công nghiệp TP HCM (Hepza) Huỳnh Văn Tuấn cho rằng, ở một số nhà máy nhiều công nhân muốn tăng ca và tình trạng mỗi năm làm thêm gần 1.000 giờ không phải hiếm. Bởi hiện mức lương cơ bản và tổng thu nhập họ tương đối thấp, mỗi tháng chừng 6 triệu đồng, khó đảm bảo cuộc sống ở Sài Gòn. Tăng ca ngoài việc thêm thu nhập còn giúp công nhân tiết giảm chi phí vì ăn uống đều ở nhà máy, nhà trọ chỉ để ngủ.
"Công nhân biết tăng ca nhiều ảnh hưởng sức khỏe, không có thời gian chăm lo gia đình, bản thân nhưng vì mưu sinh họ chấp nhận", ông Tuấn nói và cho biết sắp tới sẽ đề nghị lập danh sách những doanh nghiệp tăng ca quá nhiều, hơn 100 giờ mỗi tháng, gửi Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM để thanh kiểm tra. Năm 2020 do dịch nên việc thanh tra này bị ngưng.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn Đồng Nai phân tích, pháp luật hiện hành quy định thời gian làm thêm của người lao động tối đa một tháng là 40 giờ, mỗi năm không quá 200 giờ. Một số ngành chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đủ, thời gian làm thêm không quá 300 giờ mỗi năm. Mục đích của quy định này để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo sức khỏe...
Trong khi luật khống chế thời gian tăng ca nhưng tiền lương tối thiểu lại chưa đáp ứng được mức sống của công nhân. Phần lớn doanh nghiệp lại xây dựng lương cơ bản trên cơ sở lương tối thiểu khiến thu nhập người lao động không cao nên nhiều người muốn được tăng ca có thêm tiền. Hiện ở Đồng Nai, những doanh nghiệp tăng ca nhiều dễ tuyển lao động, còn những nơi không tăng ca bị công nhân chê. Ở một số nơi, công nhân còn yêu cầu, thậm chí đình công buộc doanh nghiệp phải tăng giờ làm thêm.
"Lý do khiến cơ quan chức năng khó xử phạt được hết những doanh nghiệp tăng ca vượt quy định chính là sự đồng thuận, tự nguyện của công nhân", ông Hà nói và cho rằng để người lao động không phải tăng ca ngàn giờ mỗi năm, ngoài điều chỉnh lương tối thiểu, nhà nước cần kiểm soát lạm phát, có chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở cho công nhân. Việc này giúp họ giảm bớt gánh nặng chi tiêu, đồng lương nhận được không mất giá.
Lê Tuyết