Sau 4 năm đất nước chìm trong chia rẽ đảng phái nghiêm trọng và nền dân chủ bị đe dọa, nhiều người Mỹ "thở phào" khi Donald Trump lui về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida và bị Twitter khóa tài khoản, sau những hỗn loạn hậu bầu cử. Nhưng phiên luận tội được ấn định vào tháng 2 tới sẽ đưa cựu tổng thống trở lại sân khấu chính, mang tới cho ông cơ hội mới để tuyên bố mình là nạn nhân của "cuộc săn phù thủy" đảng phái không bao giờ chấm dứt, đồng thời cho Trump nền tảng để vận động những người ủng hộ.
Trong khi đó, Tân Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi nước Mỹ quay lại với vấn đề gây chia rẽ đảng phái nhiều nhất ở Washington. Ông khẳng định Trump phải chịu trách nhiệm vì kích động bạo lực ở Đồi Capitol hôm 6/1, nhưng "không nhiệt thành" với triển vọng luận tội cựu tổng thống. Bởi Biđen đang cố tìm kiếm sự đồng thuận về hành pháp lớn hơn giữa hai đảng, khi nỗ lực đảo ngược di sản Trump với hơn 20 sắc lệnh được ký trong ba ngày đầu nhiệm kỳ.
Phiên luận tội Trump, với nguy cơ thổi bùng ngọn lửa chia rẽ đảng phái, không giúp mang lại lợi ích nào cho tân Tổng thống, người cam kết đưa hai đảng xích lại gần nhau và đạt được các thỏa hiệp ở Washington.
Hy vọng về việc Biden có thể "hàn gắn" đất nước như trong bài phát biểu đầy lạc quan tại lễ nhậm chức trở nên mong manh hơn, khi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ chuyển điều khoản luận tội Trump tới thượng viện ngày 25/1. Các thượng nghị sĩ sẽ tuyên thệ luận tội Trump vào ngày hôm sau và các phiên tranh luận sẽ bắt đầu từ ngày 9/2, theo kế hoạch của Schumer.
Việc trì hoãn thời gian bắt đầu phiên luận tội sẽ có lợi cho Biden, bởi tới nay chỉ có hai trong số các ứng viên nội các được Thượng viện xác nhận, tốc độ chậm hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm.
"Sẽ càng tốt nếu chúng ta càng có nhiều thời gian để thu xếp, điều hành và ứng phó với các cuộc khủng hoảng", Biden nói với phóng viên sau lễ ký sắc lệnh hành pháp về kinh tế tại Nhà Trắng hôm 22/1.
Biden luôn tỏ ra thận trọng với các câu hỏi về luận tội Trump, khi nói rằng ông sẽ để các lãnh đạo Thượng viện tự quyết định thời gian và cơ chế cho quá trình này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng thẳng thắn từ chối các câu hỏi liên quan tới quan điểm của Biden về việc luận tội Trump hay việc cựu tổng thống có nên bị cấm giữ các chức vụ liên bang trong tương lai. "Chúng tôi sẽ để quốc hội quyết định các bước luận tội", Psaki nói.
Nghi vấn về một phiên luận tội vô ích ngày càng thu hút nhiều quan tâm, khi Thượng viện khó có khả năng kết tội Trump. Việc luận tội cựu tổng thống sẽ yêu cầu 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thông qua cùng với 50 người của phe Dân chủ. Đây là mức độ đồng thuận lưỡng đảng được đánh giá khó có thể đạt được trong bất kỳ vấn đề hành pháp nào, chứ không riêng việc luận tội Trump.
Dù nội bộ đảng Cộng hòa có nhiều bất đồng về việc nên trừng phạt Trump thế nào vì vai trò kích động bạo loạn, nhiều thành viên nghi ngại việc cố luận tội một tổng thống đã rời nhiệm sở có phù hợp với Hiến pháp Mỹ.
Tranh luận về tính hợp hiến được xem như lý do hữu ích để các thượng nghị sĩ Cộng hòa né tránh việc trừng phạt Trump, theo đó không khiến nền tảng cử tri ủng hộ ông phẫn nộ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến họ bị "mắc kẹt" với các cử tri ôn hòa hơn, những người phẫn nộ vì vai trò của Trump trong cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol.
"Tôi không biết cuộc bỏ phiếu sẽ như thế nào, nhưng tôi nghĩ khả năng 2/3 sẽ không tán thành", Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn ở bang Texas cho hay.
Thông qua hầu hết hành động khác của Biden những ngày qua, Tổng thống Mỹ đang cho thấy nỗ lực đưa Mỹ thoát khỏi thời kỳ Trump, cả về chính sách và tư tưởng. Biden nói với các nhân viên mới rằng nếu nghe thấy bất kỳ ai thiếu tôn trọng hay nói xấu đồng nghiệp, ông sẽ sa thải họ ngay lập tức. Biden cũng cố gắng tránh chỉ trích cựu tổng thống, như việc mô tả bức thư Trump để lại cho ông là "rộng lượng".
Biden đã khiến một số thành viên Cộng hòa "xa lánh" khi ký sắc lệnh đảo ngược một số chính sách gây tranh cãi nhất của Trump, như dừng xây tường biên giới với Mexico, thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone với Canada, tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh từ các quốc gia theo đạo Hồi.
Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton hôm 22/1 đệ đơn kiện chống lại lệnh ngừng trục xuất người nhập cư trong 100 ngày được chính quyền Tổng thống Biden ban hành.
Song Biden cũng tin rằng nhiều động thái khác của ông có thể giành được ủng hộ từ cả hai đảng, như các biện pháp thúc đẩy phân phối vaccine, kế hoạch mở cửa trường học, hay chính sách nhằm đối phó tình trạng mất an ninh lương thực giữa đại dịch. Biden cũng nhấn mạnh rằng có một số hành động ông phải tự mình quyết định với thẩm quyền tổng thống của mình, nhưng vẫn kêu gọi quốc hội đạt được đồng thuận về gói kích thích 1.900 tỷ USD.
"Vấn đề này không nên tồn tại yếu tố đảng phái", Biden nói. "Tôi không tin người dân đất nước này muốn khoanh tay đứng nhìn bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp của họ đói khát, mất nhà, mất phẩm giá, hy vọng hay cảm giác được tôn trọng".
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese cũng cảnh báo người Mỹ có thể đối mặt với khủng hủng hoảng y tế nghiêm trọng hơn và "lỗ hổng kinh tế" nếu không có gói cứu trợ.
Tuy nhiên, Biden vẫn vấp phản kháng mạnh mẽ từ các thành viên Cộng hòa về quy mô gói kích thích. Ông có lẽ còn rất nhiều điều phải làm để thuyết phục hai đảng của Mỹ bắt tay nhau cùng giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Mỹ.
"Khi ông đưa tay ra, có những dấu hiệu cho thấy hai đảng đang trở lại hai chiến tuyến đối đầu quen thuộc của họ, trong đó luận tội Trump được xem là rào cản lớn nhất trên con đường của Tân Tổng thống", Maeve Reston, biên tập viên của CNN, nhận định.
Thanh Tâm (Theo CNN)