Sau nhiều tuần giao tranh dữ dội, lực lượng Nga và phe ly khai đang dần tiến tới mục tiêu kiểm soát toàn bộ Severodonetsk, thành phố có vị trí chiến lược tại miền đông Ukraine. Quân đội Ukraine, với nòng cốt là các binh sĩ Trung đoàn Lính dù Đột kích 79, đang cố thủ ở Severodonetsk và giành giật từng ngôi nhà, góc phố, trong khi thương vong không ngừng tăng lên và đạn dược gần cạn kiệt.
Những trận chiến trên đường phố Severodonetsk gợi nhớ đến giao tranh tại Mariupol, thành phố miền nam Ukraine mà lực lượng Nga kiểm soát hoàn toàn hồi tháng 5. Các tòa chung cư tại Severodonetsk giờ đây trở thành các ổ súng máy, mọi cửa sổ đều có thể là nơi xạ thủ bắn tỉa khai hỏa.
Địa hình đô thị dày đặc nhà cửa của Severodonetsk được nhận định khiến ưu thế hỏa lực của Nga giảm sút. Binh sĩ Ukraine có lợi thế khi tác chiến trong đô thị, song Nga dần kiểm soát chiến trường bằng chiến thuật pháo kích dữ dội vào mọi mục tiêu kháng cự, đẩy lùi lính Ukraine ra khỏi trung tâm thành phố.
Đại tá Eduard Basurin, phó chỉ huy lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cảnh báo binh sĩ Ukraine tại Severodonetsk chỉ có hai lựa chọn là "đầu hàng hoặc chết".
Oleksandr Voronenko, một sĩ quan quân cảnh Ukraine đóng quân gần Severodonetsk, ngày 14/6 cho biết "người của chúng tôi không rời thành phố, họ đang chiến đấu vì từng mét đất". Trong khi đó, giới chức DPR cáo buộc quân cảnh Ukraine không cho phép binh sĩ cố thủ ở Severodonetsk rời vị trí. Ukraine không bình luận về cáo buộc này.
Tuy nhiên, với hỏa lực áp đảo của pháo binh Nga, binh sĩ Ukraine cố thủ ở Severodonetsk có thể đối mặt với tình thế ngày càng khó khăn hơn. Khu vực phòng thủ của họ sẽ ngày càng bị thu hẹp và dần bị dồn ép đến sát bờ sông Siverskyi Donets.
Dan Bilefsky, bình luận viên của NY Times, cho rằng đây là "thời khắc định đoạt" cuộc chiến ở Severodonetsk. Binh sĩ Ukraine sẽ phải đưa ra "lựa chọn sinh tử", gồm buông súng đầu hàng theo lời kêu gọi của Bộ Quốc phòng Nga, tiếp tục cố thủ trong nhà máy hóa chất Azov và đối mặt nguy cơ bị vây hãm hoàn toàn, hoặc liều mạng vượt sông để rút sang thành phố Lysychansk ở bờ bên kia.
Cây cầu cuối cùng nối Severodonetsk với Lysychansk bị phá hủy trong giao tranh ngày 13/6, khiến binh sĩ Ukraine gặp khó khăn hơn trong củng cố vị trí, sơ tán thương binh hoặc rút lui. Nếu quyết định rút quân được đưa ra, họ sẽ phải vượt sông bằng thuyền, cầu dây hoặc cầu phao.
Những lựa chọn rút lui này khả thi, song lại cực kỳ nguy hiểm, khi binh sĩ Ukraine vượt sông có nguy cơ hứng hỏa lực pháo binh Nga, theo Bilefsky. Trong khi đó, kho dự trữ đạn pháo của Ukraine ở Lysychansk đang ở mức rất thấp, khiến họ không thể bắn chế áp đối phương để binh sĩ rút khỏi Severodonetsk.
Giới chức Ukraine cho biết quân đội nước này mất tới 200 binh sĩ mỗi ngày tại Severodonetsk. Tổng thống Zelensky ngày 13/6 thừa nhận quân đội Ukraine hứng tổn thất kinh hoàng ở Severodonetsk, đồng thời nhận định chiến sự tại Donbass là một trong những trận đánh dữ dội nhất châu Âu.
Kiểm soát được Severodonetsk cho phép lực lượng Nga tiến gần thêm mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, mục tiêu chính của họ trong giai đoạn hiện tại của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trước nguy cơ Severodonetsk thất thủ, Ukraine ngày càng khẩn thiết đề nghị phương Tây hỗ trợ vũ khí tầm xa để đảo ngược tình thế. Tuy nhiên, nhiều quan chức phương Tây hoài nghi liệu Ukraine có xây dựng được một chiến lược khả thi để giành thắng lợi hay không, sau khi liên tiếp để mất nhiều mục tiêu ở vùng Donbass.
Lực lượng Nga và phe ly khai hiện kiểm soát khoảng 80-90% diện tích vùng Donbass, bao gồm hai tỉnh Lugansk và Donetsk. Donbass chiếm 9% diện tích Ukraine, là trung tâm công nghiệp và văn hóa quan trọng của nước này.
Michael Kofman, giám đốc phụ trách nghiên cứu Nga tại tổ chức CNA có trụ sở tại hạt Arlington thuộc bang Virginia, Mỹ, cho rằng với tình thế rất khó khăn hiện nay, lực lượng Ukraine sớm hay muộn sẽ thất thủ tại Severodonetsk.
"Tình hình tại Severodonetsk thể hiện đặc trưng trong chiến lược phòng thủ của Ukraine là cầm chân lực lượng Nga bằng tác chiến đô thị với hy vọng đối phương sẽ kiệt quệ nguồn lực. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy các đơn vị Ukraine phải trả giá đắt cho điều này", Kofman nói.
Nguyễn Tiến (Theo NY Times)