Thành phố Severodonetsk ở miền đông Ukraine đang nổi lên như một điểm nóng giao tranh giữa Nga và Ukraine trong nhiều tuần gần đây. Chiến sự ác liệt tiếp tục nổ ra khi quân đội Ukraine tìm cách bám trụ và mở các đợt phản công ngăn lực lượng Nga kiểm soát toàn bộ thành phố.
Sau khi rút quân khỏi Kiev và phía bắc Ukraine, Moskva hồi tháng 4 chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự sang phía đông, nhằm kiểm soát toàn bộ vùng Donbass gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk. Severodonetsk là thành phố nằm ở tỉnh Lugansk, cách biên giới Nga hơn 140 km. Thành phố nằm gần sông Donets, chảy cắt ngang miền đông Ukraine.
Vùng Donbass từ năm 2014 đã bị chia cắt thành các vùng lãnh thổ do chính phủ Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát, với các cuộc giao tranh lẻ tẻ thường xuyên nổ ra trong 8 năm dọc "đường giới tuyến". Sau khi phe ly khai kiểm soát thành phố Lugansk, vốn là thủ phủ hành chính của tỉnh Lugansk, Ukraine đã biến Severodonetsk thành trung tâm hành chính thay thế.
Trước xung đột, dân số của Severodonetsk là khoảng 100.000 người. Vùng Donbass được biết tới như trung tâm công nghiệp của Ukraine và Severodonetsk có một số nhà máy, trong đó có nhà máy hóa chất Azot, một trong những cơ sở sản xuất phân bón lớn nhất của Ukraine. Trước xung đột, phân bón ở đây được sản xuất để xuất khẩu khắp thế giới.
Khi bắt đầu giai đoạn hai chiến dịch quân sự ở Donbass, lực lượng Nga đã vượt qua đường giới tuyến để kiểm soát gần như toàn bộ tỉnh Lugansk trong những tháng gần đây. Severodonetsk là một trong những thành phố cuối cùng cản bước Nga kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk. Thành phố cũng có vị trí lợi thế chiến lược khi nằm gần sông Donets.
Severodonetsk, Slovyansk và Kramatorsk là ba thành phố mà Nga cần chiếm được để kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, theo Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu Nga ở tổ chức CNA ở Mỹ.
Chiếm được Severodonetsk sẽ giúp Nga có bàn đạp để tấn công thành phố Lysychansk ở bên kia sông, cũng như đảm bảo kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk. Một khi giành được Lugansk, Nga có thể dồn lực lượng tiến xuống tây nam Donetsk.
Để tấn công Severodonetsk, lực lượng Nga đã áp dụng chiến thuật mới. Họ tạo thành thế gọng kìm, vây ép thành phố từ ba mặt, tận dụng tối đa hỏa lực pháo binh trút xuống các khu vực nghi ngờ có vị trí phòng thủ của đối phương. Sau khi pháo chuyển làn, trinh sát Nga cùng xe tăng, thiết giáp sẽ thận trọng tiến lên, tiếp tục nổ súng vào các mục tiêu nghi ngờ.
Nếu quân đội Ukriane bắn trả, họ sẽ để lộ vị trí phòng thủ. Khi đó, trinh sát, thiết giáp Nga rút lui, chỉ thị mục tiêu cho pháo binh tầm xa tiếp tục dập xuống nhằm đè bẹp sức kháng cự của lính Ukraine. Với chiến thuật này, Nga được cho là tiến thêm khoảng 500 mét ở Severodonetsk mỗi ngày.
Serhiy Gaidai, thống đốc Lugansk, đầu tuần trước cho biết 70% Severodonetsk đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Tuy nhiên, ông hôm nay cho hay quân đội Ukraine đã nỗ lực phản công và tái kiểm soát 50% thành phố, dù thừa nhận "tình hình rất khó khăn".
Sông Donets tiếp tục là trở ngại với quân Nga để tiến vào Lysychansk, cũng như vào Donetsk. Thống đốc Gaidai cuối tuần qua nói lực lượng Nga đã bắn phá các cây cầu bắc qua sông Donets để ngăn Ukraine đưa quân tiếp viện từ Lysychansk vào Severodonetsk.
Đối với Ukraine, giữ vững pháo đài Severodonetsk sẽ giúp họ ngăn lực lượng Nga giành một chiến thắng lớn mang tính biểu tượng trong cuộc xung đột quân sự đã kéo dài hơn 3 tháng.
Quân đội Nga trong ngày 5/6 đã nỗ lực mở các đợt tấn công vào khu vực Bilohorivka và Mykolaivka ở ngoại ô Severodonetsk nhằm khép vòng vây với thành phố này. Tuy nhiên, lực lượng Nga vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của quân đội Ukraine và buộc phải rút lui với nhiều tổn thất về người và khí tài.
Tuy nhiên, giới chức Ukraine không loại trừ nguy cơ Severodonetsk bị bao vây hoàn toàn nếu lực lượng Nga sử dụng ưu thế về hỏa lực pháo binh để chiếm các khu vực ven sông Donets. Trong trường hợp đó, quân đội Ukraine nhiều khả năng sẽ rút khỏi Severodonetsk để tăng cường lực lượng ở những nơi khác, thay vì cầm cự trong tuyệt vọng như những gì xảy ra ở Mariupol, theo Viện nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, Mỹ.
Ngoài ý nghĩa về mặt quân sự, Severodonetsk còn có tầm quan trọng rất lớn về mặt biểu tượng đối với lực lượng Nga, theo giới quan sát.
Nếu kiểm soát được pháo đài này, Nga sẽ đạt được một thắng lợi quan trọng, sau nhiều tuần tiến quân chậm chạp ở Donbass. Nó sẽ cho phép Điện Kremlin tuyên bố họ đang đạt được tiến bộ trong mục tiêu "giải phóng" vùng Donbass, khu vực có phần lớn dân số nói tiếng Nga.
Tổng thống Vladimir Putin mô tả người Nga và người Ukraine là "một dân tộc". Ông coi Donbass và Ukraine nói chung là một phần của "Thế giới Nga", cũng như tuyên bố muốn "bảo vệ" những người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine.
Tổng thống Putin đã công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Donetsk và Lugansk trước khi mở chiến dịch quân sự hôm 24/2. Tháng trước, các quan chức Mỹ nhận định Nga đang chuẩn bị sáp nhập các khu vực này, cùng với thành phố Kherson ở miền nam, dù Điện Kremlin tuyên bố điều này tùy thuộc vào ý chí của người dân trong khu vực.
Nhưng với sức kháng cự của lực lượng Ukraine, lực lượng Nga sẽ phải tăng cường tối đa hỏa lực pháo binh để phá hủy các công trình mà đối phương có thể sử dụng để phòng thủ tại Severodonetsk
Thị trưởng Oleksandr Stryuk cho hay giao tranh đã phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng và Tổng thống Volodymyr Zelensky nói 90% ngôi nhà ở Severodonetsk đã bị hư hại.
"Lực lượng Nga với ưu thế hỏa lực của mình rốt cuộc có thể kiểm soát được pháo đài Severodonetsk, nhưng những gì họ giành được sẽ là một thành phố đổ nát hoàn toàn", Claire Parker, bình luận viên kỳ cựu về chính sách đối ngoại của Washington Post, nhận định.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)