Muốn có phim hay phải có tác phẩm văn học hay, kịch bản hay, âm nhạc (làm nhạc nền) hay, nhiếp ảnh hay (liên quan đến lựa chọn cảnh nền), đạo diễn hay (phân vai, cắt cảnh, chỉ đạo diễn xuất)...
Tóm lại, điện ảnh là hội tụ của những tinh hoa trong các bộ môn nghệ thuật khác. Từng bộ môn nghệ thuật khác không có tinh hoa thì lấy đâu ra phim hay.
Khi người ta làm phim Harry Potter, bộ ba diễn viên trong phim này chưa từng đóng phim nào và hoàn toàn là những đứa trẻ con vắt mũi chưa sạch, chưa qua trường lớp đào tạo nghệ thuật nào. Vậy nhưng họ vẫn đóng phim rất tốt.
Thế thì các hotgirl, hotboy mà đóng phim thì lẽ ra phải càng tốt hơn vì ở tuổi này họ đã có ý thức riêng. Diễn xuất của diễn viên Việt cứng đơ không phải do người diễn mà do ông đạo diễn thiếu nghiêm túc.
>> Tại sao 'chưởng' Kim Dung không phổ biến khắp thế giới như Harry Potter?
Cảnh phim nam diễn viên hất tung điện thoại di động của nữ diễn viên rồi đưa tay ra chụp lại như xiếc trong phim Hậu duệ mặt trời làm khán giả xem phim bất ngờ. Cũng cảnh quay ấy do Việt Nam làm thì nhạt nhẽo. Người ta không biết phải rơi hỏng điện thoại do chụp hụt bao nhiêu lần mới ra cái cảnh "như thật" ấy.
Còn ta, tung lên rồi chụp bằng ...ba đoạn cắt cảnh nhanh. Diễn viên làm không được thì thuê cascadeur làm chứ làm phim như thế có khác gì lừa dối khán giả.
Các bộ phim hành động của Thành Long, sau phần kết luôn chiếu lại các cảnh quay hỏng, diễn xuất thất bại. Đấy là ông Thành Long có lòng tốt cho người ta biết đóng phim không phải chuyện dễ, một cảnh phim thành công không biết phải quay đi quay lại bao nhiêu lần.
Người ta phải mất vài năm mới làm xong một bộ phim, còn ta ngược lại, một năm làm vài bộ phim. Người ta tốn chi phí hàng triệu đôla cho một bộ phim ngoài vì tiền thuê diễn viên cao còn do chi phí quay đi quay lại những cảnh ấy.
Tiền cát xê của diễn viên không phụ thuộc vào thời gian làm phim. Làm phim lâu hay nhanh thì tiền cát xê cũng chỉ nhiêu đó. Diễn viên càng tài năng thì càng hạn chế được số lần quay hỏng, càng đẩy nhanh tốc độ làm phim, giảm chi phí làm phim nên tiền công của họ cao là hợp lý.
>> Học trò 'ớn' môn Văn vì bị công thức như Toán
Sau năm 1978, kinh tế Hàn Quốc bước vào kinh tế thị trường, các bộ môn nghệ thuật (trong đó có điện ảnh) phải tự nuôi lấy thân, không còn được nhà nước bao cấp. Tuy bước vào thị trường nhưng người ta vẫn giữ vững nghiêm ngặt các chuẩn tắc làm phim chứ không buông thả theo thị hiếu khán giả như phim Việt Nam.
Tức là, dù là phim thị trường nhưng vẫn mang yếu tố nghệ thuật nhất định. Còn phim Việt, nói xin lỗi, xem mà cứ tưởng như xem kịch nói có quay ngoại cảnh, thậm chí diễn xuất còn kém xa kịch nói, cải lương.
Kịch nói (hay sân khấu nói chung) luôn có tính ước lệ cao vì người ta không thể đem mọi thứ lên sân khấu. Nhưng phim thì khác, càng "thật" bao nhiêu càng thành công bấy nhiêu.
Như vậy, muốn có phim "thật" trước hết phải có phim trường. Phim trường là nơi người ta dựng khung cảnh tương ứng với nội dung cảnh phim chứ không phải như Việt Nam, tùy tiện mướn một căn nhà nào đó làm khung cảnh.
Ví như phim Xác ướp Ai Cập, toàn bộ các đền thờ, di tích lịch sử, di tích tôn giáo trong phim là mô phỏng chứ ai cho phép anh chạy tới chạy lui, bắn súng đấu võ, phá hủy loạn xạ... ở những nơi tôn nghiêm ấy. Ở ta không như thế, toàn mượn di tích thật để làm phim dẫn đến quay phim gượng ép (chắc vì sợ làm hỏng di tích).
>> 'Tư tưởng trong truyện chưởng Kim Dung không phù hợp với phương Tây'
Kỹ thuật làm phim, phương tiện thiết bị làm phim ngày càng được tự động hóa, vi tính hóa cao. Tuy nhiên, công nghệ chỉ giúp con người đẩy nhanh tốc độ, ưu hóa nhanh công việc chứ công nghệ không thể thay thế cảm xúc của con người.
Bởi vậy, phim nghệ thuật có chi phí thấp vẫn luôn chiếm lĩnh những giải thưởng điện ảnh lớn so với các phim bom tấn có chi phí làm phim siêu lớn. Đạo diễn của người ta làm phim nghệ thuật lấy giải để đánh bóng tên tuổi rồi mới làm phim thị trường. Còn đạo diễn nhà mình, đạo diễn vô danh nên phim cũng vô danh luôn.
Nghệ thuật Việt Nam đang đi dần theo xu hướng "nhảm nhí", chạy theo thị hiếu phi nghệ thuật thì phim cũng không thể ngoại lệ. Không có diễn đàn bình luận, phê bình các tác phẩm nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng – tức là không có ai phản biện – thì người làm nghệ thuật Việt Nam luôn cho rằng khán giả là gà công nghiệp, cho ăn gì ăn nấy, ngon dở cấm kêu ca.
Cũng như bóng đá, hầu hết phim Việt Nam đều hưởng chi phí từ nhà tài trợ (trong phim phải có cảnh quay lộ ra logo của họ) hoặc ăn cái quảng cáo giờ vàng trên truyền hình chứ có thật sự sống bằng tiền vé của khán giả đâu. Mang tiếng là phim thị trường, bản chất vẫn là nửa bao cấp.
Không sống bằng tiền vé khán giả mà đòi hỏi phải đoạt giải Oscar, đòi hỏi này hơi bị cao.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.