Virus HPV (human papillomavirus) có nhiều loại khác nhau, trong đó, một số loại gây ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, hậu môn, phổ biến là HPV 16 và 18. Virus HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, ngoài ra có thể lây khi dùng chung dụng cụ cắt móng tay, đồ lót...
Để phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh lý về đường sinh dục, bác sĩ khuyến cáo nữ giới nên tiêm vaccine để phòng bệnh. Vaccine HPV có thể phòng một số tuýp virus HPV như 6, 11, 16 và 18 hoặc 2 tuýp virus HPV 16, 18.
Vaccine này được chỉ định cho trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi 9-26 hoặc 10 đến 25 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung hoặc có thể phòng thêm ung thư âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục, bệnh lý do nhiễm virus HPV. Phác đồ tiêm có thể 0, 1, 6 tháng hoặc 0, 2, 6 tháng (tùy từng loại).
![Vaccine HPV giúp phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh lý do virus human papillomavirus gây ra. Ảnh: Shutterstock.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/07/10/hpv-8278-1588147629-7560-15892-8511-6770-1594356622.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HrA4aN1SRdNo5jqWfGdY7g)
Vaccine HPV giúp phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh lý do virus human papillomavirus gây ra. Ảnh: Shutterstock.
Vaccine phòng ngừa HPV có hiệu quả cao, được ghi nhận an toàn bởi các cơ quan uy tín của Mỹ như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm vaccine HPV sớm vì sẽ giúp tăng khả năng đáp ứng miễn dịch. Phụ nữ đã quan hệ tình dục, từng nhiễm virus HPV vẫn có thể tiêm vaccine.
Nữ giới không dị ứng với thành phần nào của vaccine, không mang thai, không đang điều trị các bệnh cấp tính... đều có thể đủ điều kiện tiêm vaccine, thông thường sẽ không cần xét nghiệm trước khi tiêm.
Nếu phụ nữ có thai trong giai đoạn chưa hoàn thành ba mũi tiêm thì cần hoãn tiêm chủng và hoàn tất lịch tiêm sau khi sinh con.
Ngọc An