Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết vụ phóng tên lửa đạn đạo hôm 15/9 là cuộc thử nghiệm "hệ thống tên lửa trên tàu hỏa mới", được tiến hành bởi trung đoàn tên lửa đường sắt thành lập đầu năm nay.
"Hệ thống này là biện pháp đáp trả hiệu quả, có khả năng tung nhiều đòn đánh liên tiếp vào những lực lượng đe dọa đất nước", tướng Pak Jong-chon, ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên, cho biết sau khi giám sát cuộc thử nghiệm.
Hình ảnh được công bố cho thấy quả đạn màu xanh phóng lên từ đoàn tàu đang đậu tại một khu vực đồi núi. Toàn bộ hệ thống phóng tích hợp trong toa tàu được chỉnh sửa, với bệ nâng đạn dựng thẳng đứng và đưa vào vị trí phóng sau khi nóc toa tàu mở ra. Các cửa hai bên toa cũng được mở để thoát luồng khí xả lúc tên lửa khai hỏa.
Hiện chưa rõ đoàn tàu này có thể phóng được những loại tên lửa nào. Quả đạn được phóng hôm 15/9 dường như là phiên bản của tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23, với vẻ ngoài giống tên lửa Iskander-M của Nga. Quả đạn bay được 800 km và đạt độ cao tối đa 60 km, gần gấp đôi tầm bắn 450 km được giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản ghi nhận trong những vụ bắn thử tên lửa KN-23 trước đây.
"Lực lượng tên lửa đường sắt sẽ giúp Triều Tiên có thêm phương án nhanh chóng phân tán lực lượng, đặt ra nhiều thử thách cho quá trình phát hiện và giám sát của đối phương. Các đường hầm trên khắp Triều Tiên cũng sẽ trở thành lô cốt kiên cố để cất giấu bệ phóng, hạn chế nỗ lực theo dõi di biến động của chúng, chưa nói tới tung đòn vô hiệu hóa", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Các toa tàu có thể rời đường hầm, khai hỏa tên lửa và nhanh chóng rút vào vị trí cũ hoặc cơ động đến đường hầm mới, khiến chúng rất khó bị đánh trả. Những toa tàu chứa bệ phóng tên lửa cũng có thể liên tục di chuyển và nằm lẫn giữa các đoàn tàu dân sự.
Triều Tiên không phải nước đầu tiên phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa. Liên Xô từng biên chế đoàn tàu mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RT-23 Molodets. Nga từng xem xét hồi sinh lực lượng này với hệ thống tên lửa Barguzin, nhưng sau đó hủy dự án để theo đuổi chương trình tên lửa siêu vượt âm Avangard.
Mỹ cũng nhiều lần nghiên cứu giải pháp ICBM đặt trên tàu hỏa trong Chiến tranh Lạnh để tăng khả năng sống sót cho lực lượng hạt nhân chiến lược.
"Tên lửa đặt trên tàu hỏa là lựa chọn tương đối rẻ và đáng tin cậy cho những quốc gia muốn tăng cường khả năng sống sót cho lực lượng hạt nhân. Đây là điều dễ hiểu với Triều Tiên", Adam Mount, chuyên gia tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận xét.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống phóng từ tàu hỏa có thể sử dụng nhiều vũ khí khác nhau, bao gồm cả những loại tên lửa đang phát triển hoặc đã đưa vào biên chế và mang được vũ khí hạt nhân. Thông tin về vụ phóng được công bố chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa hành trình chiến lược có tầm bắn không dưới 1.500 km, khi Washington và Seoul vẫn chưa xác định được nhiều thông tin về vụ phóng như địa điểm khai hỏa và vị trí mục tiêu.
Tuy nhiên, một số người cho rằng việc Triều Tiên phát triển số lượng lớn hệ thống mang phóng tên lửa là điều bất thường và có thể gây bất lợi cho chính nước này.
"Điều này không có hiệu quả về chi phí, đặc biệt là với một quốc gia bị hạn chế nhiều về nguồn lực như Triều Tiên. Nó cũng phức tạp hơn nhiều so với một lực lượng thống nhất và tinh gọn, dựa trên số ít nền tảng mang phóng", Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nêu quan điểm và nhận định bệ phóng tên lửa này có thể đặt nền tảng phát triển hệ thống phóng ICBM từ tàu hỏa trong tương lai.
Vũ Anh (Theo Drive)