Chị Ngọc mắc Covid-19 từ ngày 14/12, triệu chứng nhẹ nên điều trị tại nhà, nhân viên y tế bảo chị mua máy SpO2 về tự theo dõi. Khi vào các hội nhóm online tham khảo, Ngọc nhận thấy có quá nhiều loại máy khác nhau, nhiều giá tiền, từ vài chục nghìn cho đến vài triệu đồng. "Tôi thực sự cảm thấy khó mua vì nhiều dòng máy, khó để biết loại nào chuẩn hay không chuẩn", chị cho hay.
Chị vào một trang bán hàng đang rao bán loại máy SpO2 thương hiệu Nhật Bản, giá khoảng 350.000 đồng, "mẫu mã nhìn ưng mắt nên mua". Về, chị thử đo SpO2 nhiều lần nhưng kết quả mỗi lúc một khác, lúc thì 96,97%, lúc chỉ có 93,94%. "Tôi được biết chỉ số SpO2 phải đạt trên 95% mới bình thường, nhưng khi đo được 93% tôi cũng bất ngờ vì cơ thể không có triệu chứng bất thường", chị cho hay.
Theo khảo sát của VnExpress, gõ từ khóa "giá máy SpO2" trên Google thì nhận được 4.420.000 kết quả trong vòng 0,46 giây. Máy được chào bán ở rất nhiều kênh bán hàng với đủ loại giá. Mỗi bài đăng đều ghi thông tin giới thiệu, nơi sản xuất, một số trang còn kèm video hướng dẫn sử dụng.
Một nhóm chuyên mua bán máy SpO2, với hơn 17.000 thành viên, hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội. Một người bán tên Trang giới thiệu hai loại máy, loại Microlife thương hiệu Thụy Sĩ giá 750.000 đồng, bảo hành 24 tháng; loại Jumper-500Ec thương hiệu Đức giá 560.000 đồng. Người này giải thích "do thương hiệu và độ bền của máy nên một số loại giá thành cao hơn".
Sản phẩm của người bán tên Dung giá cũng tương đương, được giới thiệu "sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo công nghệ của từng nước khác nhau. Một số giá đắt hơn là do nhập lúc mùa dịch".
Một người bán khác tên Phong giới thiệu hai loại máy đo SpO2 đều sản xuất ở Trung Quốc. Trong đó, loại Pulse oximeter A2 giá 90.000 đồng và loại Fingertip Pulse oximeter LK87 giá chỉ 45.000 đồng, một tháng đổi một cái. Anh cho biết: "Giá bán lẻ là 'vô cùng', không thể so sánh, song các loại máy đều độ nhạy như nhau, khi nào dùng hết pin thì thay pin thôi".
Một người tên Hải giới thiệu 4 loại máy, nếu mua sỉ theo thùng (200 máy) giá chỉ 45.000 đến 95.000 một chiếc tùy loại, bảo hành 12 tháng. Nếu mua lẻ thì giá gấp 4-5 lần.
Theo Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, Sở Y tế Hà Nội ban hành tháng 12, máy đo SpO2 là một trong 7 phương tiện cần có để theo dõi sức khỏe, bên cạnh nhiệt kế, máy đo huyết áp, điện thoại hoặc máy tinh, thùng rác thảo y tế, túi thuốc điều trị tại nhà, có người thân chăm sóc. SpO2 < 96% phải báo ngay với nhân viên y tế. Với trẻ nhỏ, đo SpO2 tối thiểu hai lần một ngày, hoặc khi trẻ cảm thấy mệt, khó thở, thở nhanh.
Một chuyên gia về trang thiết bị y tế tại Hà Nội cho biết tất cả nhà sản xuất trang thiết bị y tế của Việt Nam và thế giới đều áp dụng tiêu chuẩn cho hệ thống quản lý chất lượng là ISO 13485. Nếu nhà sản xuất làm đúng theo tiêu chuẩn này thì sản phẩm luôn được đảm bảo chất lượng, người dùng không cần băn khoăn. Tuy nhiên nếu làm không đúng thì cần cẩn trọng, đặc biệt lưu ý một số sản phẩm sản xuất tại xưởng nhỏ lẻ có nguồn gốc Trung Quốc.
Khi tìm hiểu chọn mua sản phẩm trên mạng nói riêng và máy đo SpO2 nói chung, "hãy là người tiêu dùng thông thái, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm", chuyên gia khuyên. Người mua có thể chụp tem của sản phẩm, khảo sát trên mạng để biết thông tin, rồi vào website của nhà sản xuất để tra cứu, tìm hiểu xem hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm là hệ thống nào; xem phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm. "Thông thường nếu nhà sản xuất uy tín thì trên website của doanh nghiệp sẽ công bố áp dụng tiêu chuẩn ISO 13485 cho sản phẩm đó", chuyên gia nói.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), nhiều loại máy SpO2 bán tràn lan trên mạng, không thể phân biệt được hiệu quả và độ nhạy ra sao, phải thử mới biết. Để an tâm, chuyên gia gợi ý người dùng nên mua các thiết bị đo SpO2 có thương hiệu, giá bán ít nhất từ 400.000 đến 500.000 đồng, không nên mua thiết bị giá rẻ bởi khả năng cao cho kết quả không chính xác, sai số lớn.
Hồi tháng 8, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát đi cảnh báo về những sản phẩm máy thở, máy đo nồng độ oxy trong máy giá rẻ đang được bán tràn lan trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử. Điểm chung của các máy đo nồng độ oxy giá rẻ là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.
Các chuyên gia cho rằng nếu có điều kiện, người dân có thể trang bị một thiết bị đo SpO2 trong gia đình để theo dõi. Tuy nhiên, chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Bạn cần theo dõi sát các triệu chứng khác cơ thể, khi có bất thường cần báo nhân viên y tế ngay.