Tiến sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết chỉ số sinh tồn là dấu hiệu để nhận biết trạng thái sống còn của cơ thể con người. Ngoài 4 dấu hiệu là mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở luôn được theo dõi liên tục qua máy theo dõi người bệnh (monitor) thì dấu hiệu oxy hóa máu ngoại vi (SpO2) cũng được coi là một chỉ số sinh tồn quan trọng.
Thông thường, các máy theo dõi ở khác khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, các Đơn vị chăm sóc đặc biệt có thể theo dõi được nhiều chỉ số sinh tồn nhưng đắt tiền, khó vận chuyển, đòi hỏi nguồn điện ổn định nên không phù hợp cho các tuyến y tế cơ sở, các bệnh viện dã chiến, trên đường vận chuyển bệnh nhân hoặc sàng lọc bệnh nhân nặng trọng cộng đồng.
"Lúc này, máy theo dõi SpO2 cầm tay sẽ phát huy tác dụng", bác sĩ nói.
Máy tiện dụng, nhỏ gọn, chạy bằng pin, chỉ cần kẹp vào đầu ngón tay hoặc ngón chân là có thể đọc được kết quả. Đầu dò SpO2 kẹp ở đầu ngón tay với bộ phận cảm biến ở mặt dưới đồng hồ để tính toán chỉ số SpO2 (%).
Các F0 không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ được theo dõi tại nhà có thể sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu để theo dõi.
"SpO2 là chỉ số sống cơ bản đầu tiên trong theo dõi bệnh nhân nặng, nguy kịch, đặc biệt là các trường hợp suy hô hấp phải thở máy. Khi theo dõi các bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp, đặc biệt là Covid-19, chỉ số SpO2 giúp bác sĩ tiên lượng mức độ nặng để xử trí hoặc chuyển người bệnh kịp thời đến đơn vị hồi sức", bác sĩ Hoàng Công Tình nói.
Nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 92%, bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, phải nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp. Trong trường hợp chỉ số SpO2 của bệnh nhân lớn hơn 92% nhưng có các biểu hiện suy hô hấp như khó thở nhiều, người lớn thở nhanh > 30 lần/phút, thở co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều, vẫn cần được nhập viện để theo dõi và điều trị.
Một người khỏe mạnh bình thường, độ bão hòa oxy máu dao động trong khoảng 95-100%.
Thùy An