Từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 1, nhóm chuyên gia tại Đại học Bang Pennsylvania, tổ chức phi lợi nhuận White Buffalo, Sở Công viên New York đã thu thập mẫu máu và dịch thể từ 131 con hươu tại đảo Staten, New York. Kết quả gần 15% số hươu có kháng thể nCoV, cho thấy trước đó chúng có thể từng nhiễm virus, dễ tái nhiễm nhiều lần với các biến chủng mới. Ngoài ra, xét nghiệm PCR mẫu gạc từ 68 con hươu ghi nhận 7 con nhiễm nCoV, đặc biệt, ít nhất 5 mẫu nhiễm Omicron.
Các chuyên gia tại Đại học Bang Pennsylvania nhận định một cá thể hươu nhiễm bệnh từ người, sau đó lây lan sang những con khác. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus sẽ truyền trở lại con người.
Tuy nhiên Suresh Kuchipudi, nhà vi sinh vật học thú y tại Đại học Bang Pennsylvania, cho biết: "Sự lưu hành của virus trong quần thể động vật luôn làm tăng khả năng mầm bệnh lây nhiễm ngược lại con người. Quan trọng hơn, nó tạo cơ hội cho virus tiến hóa thành các biến chủng mới".
Theo ông Kuchipudi, khi virus hoàn toàn đột biến, nó có thể vượt qua hàng rào bảo vệ của vaccine hiện tại. Các nhà khoa học buộc phải thay đổi vaccine một lần nữa.
"Bạn có thể tưởng tượng đây là chu kỳ vĩnh viễn không bao giờ kết thúc. Loài hươu liên tục là vật chủ lưu hành virus và sản sinh biến chủng mới", ông nói.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một con hươu nhiễm Omicron có lượng kháng thể cao, cho thấy nó từng nhiễm các biến chủng khác trước đó.
Đây là lần đầu tiên Omicron được tìm thấy ở động vật hoang dã. Tại Mỹ, số ca nhiễm cộng đồng đang giảm dần. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, dù không có bằng chứng cho thấy động vật truyền được virus sang người, song hầu hết các ca nhiễm nCoV được báo cáo là ở các loài tiếp xúc gần con người.
Hồi tháng 8/2021, chính phủ Mỹ cho biết họ đã tìm thấy những ca mắc Covid-19 ở hươu hoang dã đầu tiên trên thế giới, bổ sung vào danh sách các động vật dương tính virus.
Các nhà khoa học cho biết cách tốt nhất để ngăn hươu trở thành ổ chứa virus là hạn chế sự lây lan của Covid-19 ở người. Theo tiến sĩ Kuchipudi, việc phát hiện Omicron ở hươu là "lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc".
Thục Linh (Theo Reuters, NY Times)