Nguyên nhân của đợt bùng phát mới chủ yếu là do biến chủng Omicron lây lan nhanh.
Nhật Bản đang xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và 12 quận trong hai tuần, kể từ ngày 13/2. Hiện 34 trong số 47 quận của nước này ở tình trạng khẩn cấp, đòi hỏi thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Chính phủ cũng dự kiến mở rộng tình trạng bán khẩn cấp, hạn chế hoạt động của quán bar, doanh nghiệp, hạn chế đi lại giữa các quận ở Tokyo nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế, xã hội.
Hôm 3/2, Tokyo ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới, gần bằng mức cao kỷ lục trong ngày 2/2 là 21.000. Chính phủ quyết định đặt tỉnh phía tây Wakayama dưới tình trạng bán khẩn cấp.
Trong một cuộc họp thường kỳ, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết các biện pháp hạn chế bán khẩn cấp "có hiệu quả ở một mức độ nhất định, bởi tại một số khu vực, lượng ca nhiễm mới đang giảm".
Thủ tướng Fumio Kishida đã đề nghị điều chỉnh chiến lược ứng phó dịch bệnh phù hợp với các đặc điểm của biến chủng Omicron có khả năng lây truyền cao, song ít gây ra các ca nhiễm nghiêm trọng.
Tỉnh Okinawa, một trong những khu vực đầu tiên được đặt trong tình trạng khẩn cấp hồi đầu tháng 1, đang có kế hoạch nới hạn chế kể từ ngày 7/1. theo thống đốc Denny Tamaki, các biện pháp phòng dịch và chương trình tiêm chủng đã góp phần hạn chế sự lây lan của virus.
Trước đó, khi Omicron chưa xuất hiện, số ca nhiễm ở Nhật Bản thấp đến mức "không thể lý giải". Trong hai năm đại dịch, Nhật Bản luôn có tỷ lệ nhiễm và tử vong thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Dịch bệnh tại các nước châu Á nhìn chung ít nghiêm trọng hơn châu Âu và châu Mỹ, chủ yếu do chính phủ đã có kinh nghiệm ứng phó với SARS và MERS trước đây.
Thục Linh (Theo Kyodo)