Cơ quan y tế Mỹ sáng 29/1 báo cáo số người chết trong làn sóng lây nhiễm Omicron vượt đỉnh dịch Delta vào cuối năm ngoái, có nguy cơ tiếp tục tăng. Xu hướng này một lần nữa nhấn mạnh thông điệp mà các chuyên gia đề cập trước đây, rằng xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của Omicron là một sai lầm.
Dữ liệu cho thấy Omicron dễ lây truyền hơn tất cả các biến chủng nào khác, phần vì khả năng né tránh miễn dịch. Số ca nhiễm tăng cao, lượng bệnh nhân nhập viện tăng theo. Kể cả khi F0 nhiễm Omicron đối mặt với ít rủi ro hơn, biến chủng vẫn dễ dàng phá vỡ nhịp sống bình thường mới mà người Mỹ trải qua trong khoảng thời gian ngắn.
Theo ước tính của các nhà khoa học, Mỹ có thể ghi nhận trung bình khoảng một triệu ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian tới. Tốc độ lây nhiễm tuyệt đối của Omicron khiến các bệnh viện gặp nhiều áp lực hơn sau hai đợt bùng phát nghiêm trọng trước đó.
Càng nhiều bệnh nhân nhiễm Omicron, virus càng dễ lây lan sang người khác và gây tử vong. Người có bệnh nền, chưa tiêm chủng hoặc suy giảm miễn dịch vẫn dễ chuyển nặng hoặc cần nhập viện.
Dù triệu chứng nhiễm Omicron ít nghiêm trọng hơn nhờ vaccine hay miễn dịch tự nhiên, các bệnh viện Mỹ vẫn chật kín bệnh nhân, thiếu giường bệnh. Nhiều nơi báo cáo tình trạng quá tải, khủng hoảng vì không đủ nhân viên hoặc cơ sở vật chất, thiết bị để điều trị cho mọi bệnh nhân. Họ buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn xem nên ưu tiên người bệnh nào.
Theo dự án theo dõi của Đại học Minnesota, hơn 35% số giường ICU đã có người dùng. Illinois và Pennsylvania chứng kiến xu hướng tương tự. Người bệnh phải cách ly ít nhất 5 ngày theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Khoảng thời gian này ngắn hơn so với khuyến nghị 10 ngày trước đó, song có thể gây áp lực lên nhân viên y tế, làm hạn chế khả năng chăm sóc bệnh nhân. Điều này khiến nhiều người tử vong hơn.
Eric Topol, giáo sư y học phân tử tại Viện nghiên cứu Scripps, dự đoán Mỹ sẽ ghi nhận số người chết vì Omicron cao hơn hẳn các nước khác, dù biến chủng ít nghiêm trọng hơn. Trong bài đăng trên trang cá nhân, ông đã so sánh số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 hàng ngày ở 7 quốc gia phát triển. Ông cho biết Mỹ có mức tử vong cơ bản trên đầu người cao hơn nhiều.
Một nguyên nhân khác là chương trình tiêm chủng của Mỹ đã chững lại so với nhiều quốc gia.
Ví dụ, làn sóng Omicron ở Anh đang chững lại, theo dữ liệu từ Đại học Y khoa John Hopkins. Kể từ tuần trước, lượng F0 theo ngày giảm ổn định. Chính phủ Anh cho biết khoảng 90% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm liều vaccine đầu tiên, 83% tiêm đủ hai liều. Khoảng 62% đã tiêm liều tăng cường.
Mỹ đi sau quốc gia này về nỗ lực tiêm chủng. Hơn một năm triển khai, Mỹ chỉ tiêm đủ hai liều vaccine cho hơn 60% dân số, tức là còn gần 40% khác vẫn đối mặt với nguy cơ cao. Chỉ 37% được tiêm liều tăng cường.
Theo Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA, cuộc tranh luận kéo dài về liều thứ ba tạo nên những thông điệp hỗn loạn với công chúng, làm xao nhãng sự quan tâm của người dân.
Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch sau tiêm cũng có thể suy giảm theo thời gian. Các nhà khoa học cho biết kháng thể tự nhiên sau khi nhiễm các biến chủng trước đó sẽ suy yếu sau một thời gian tương đối ngắn.
Nếu miễn dịch chống virus suy yếu, người Mỹ sẽ tiếp tục trải qua các đợt bùng phát đủ lớn để khiến bệnh viện đông đúc trong nhiều năm. Để ngăn chặn tình trạng này, một số chuyên gia đề xuất tiêm chủng thường niên, vào mùa thu đông giống với vaccine cúm.
Thục Linh (Theo Vox, NY Times, The Hill)