Tuyên bố được tiến sĩ Boris Pavlin thuộc Nhóm ứng phó Covid-19 của WHO đưa ra trong một cuộc họp trực tuyến. Ông cũng nhận định vaccine vẫn hiệu quả bảo vệ cộng đồng trước những dòng khác của Omicron.
Chuyên gia bắt đầu đưa ra nhiều ý kiến khi BA.2 dần thay thế BA.1 tại một số quốc gia như Đan Mạch. Dựa trên dữ liệu từ nước này, Pavlin cho rằng mức độ nghiêm trọng về bệnh trạng do BA.2 gây ra tương tự BA.1.
"Nhìn vào các nước nơi BA.2 chiếm ưu thế, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ nhập viện không cao hơn dự kiến", ông nói.
Theo nghiên cứu của Đan Mạch diễn ra trên 8.500 gia đình kể từ tháng 12 đến tháng 1, BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1, có khả năng lây nhiễm cho người đã tiêm chủng cao hơn.
BA.2 lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi vào cuối tháng 12/2021. Nó được coi là dòng phụ, phát triển từ một đột biến của Omicron. Bản thân Omicron cũng được sinh ra từ một đột biến của chủng Delta.
Chủng này có hơn 20 đột biến, khoảng một nửa trong số đó là ở protein gai, bộ phận virus sử dụng để bám vào tế bào người, chìa khóa giúp mầm bệnh xâm nhập cơ thể. Biến chủng phụ này cũng phổ biến tại Philippines, Nepal, Qatar, Ấn Độ.
Theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Geneva, các nước nên chú ý tìm hiểu khả năng kháng kháng thể của BA.2. Họ cần xem xét liệu người nhiễm Omicron có tái nhiễm biến chủng này hay không.
BA.2 khó theo dõi và đặt ra những thách thức nhất định cho các nhà khoa học. Theo Florence Débarre, nhà sinh vật học tại Viện Sinh thái và Khoa học Môi trường ở Paris, quy trình và các bộ xét nghiệm PCR hiện rất đa dạng. Chúng khác nhau giữa các nước, nhà sản xuất và thậm chí từng phòng thí nghiệm. Điều này khiến việc xác định người nhiễm biến chủng BA.2 rất khó khăn.
"Tiêm phòng vẫn cực kỳ hiệu quả để ngăn ngừa triệu chứng nghiêm trọng do các biến chủng, gồm cả Omicron gây ra. BA.2 đang nhanh chóng thay thế BA.1. Tác động của nó dường như không đáng kể, dù vậy chúng ta cần có thêm dữ liệu", ông Pavlin nói.
Thục Linh (Theo Reuters)