Người đàn ông cho biết kết hôn năm 2019, muốn có con sớm nhưng tháng đầu chưa có tin vui. Tháng thứ hai, các thành viên trong gia đình anh Công lần lượt mắc quai bị, mỗi người bị sưng hai bên má khoảng 3 ngày rồi tự khỏi. Công là người cuối cùng mắc bệnh, sưng má 4 - 5 ngày, sau đó sốt 40 độ và hai tinh hoàn lần lượt sưng to như trứng vịt, đau dữ dội.
Sợ ảnh hưởng tinh trùng, anh vội tới bệnh viện để khám. Bác sĩ cho xem kết quả tinh dịch đồ, giải thích anh Công bị viêm tinh hoàn, có khoảng một triệu tinh trùng nhưng hầu hết bị dị dạng. Biến chứng này có thể phòng được nhờ vaccine, tuy nhiên lúc đó anh Công chưa tiêm phòng.
Để khắc phục, anh Công chú ý chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và sinh hoạt điều độ. Sau một năm, chất lượng tinh trùng tăng lên, anh cùng vợ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có con.
"Lúc đó nước mắt tôi đã rơi, ước giá như không chủ quan với bệnh. Nếu tiêm phòng quai bị từ trước thì tôi chỉ mất khoảng mấy trăm nghìn thôi", Công nói.
Tương tự, Hùng Minh (35 tuổi, TP HCM) kết hôn đã hơn một năm nhưng vợ chồng vẫn chưa có tin vui. Kết quả thăm khám tại bệnh viện cho thấy toàn bộ ống sinh tinh của anh đã bị xơ hóa, thoái hóa, không có tế bào dòng tinh, chẩn đoán vô sinh nguyên phát nghi do biến chứng của bệnh quai bị.
"Tôi mắc quai bị cách đây mấy năm, cứ nghĩ mắc bệnh thì miễn dịch tốt hơn dùng vaccine nên không tiêm chủng, bây giờ mới biết quan niệm này sai rồi", anh Minh nói.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm tinh hoàn là một trong các biến chứng do quai bị phổ biến ở nam giới. Ước tính có khoảng 1/3 nam giới gặp biến chứng này khi nhiễm virus quai bị ở tuổi trưởng thành.
"Viêm tinh hoàn do quai bị đứng đầu trong các nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Khoảng 50% trường hợp bị teo dần tinh hoàn, giảm tỷ lệ sinh tinh và gây vô sinh", bác sĩ Vỹ nói.
Tại Việt Nam, quai bị là bệnh phổ biến, thường gặp các mùa trong năm. Trẻ tuổi học đường dễ mắc bệnh, 20% - 30% ở nam giới trưởng thành. Tỷ lệ mắc quai bị dao động từ 10 - 40/100.000 dân. Tỷ lệ tử vong thường rất thấp, không vượt quá 1/100.000 dân.
BS.KI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết không phải nam giới nào bị viêm tinh hoàn do quai bị cũng sẽ vô sinh. Đồng thời, việc phát hiện và can thiệp kịp thời cũng giúp hạn chế nguy cơ vô sinh.
Hiện viêm tinh hoàn do quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo nam giới nên tiêm vaccine phòng bệnh quai bị sớm để tránh biến chứng. Trường hợp rất hiếm, người được tiêm vaccine có thể vẫn nhiễm bệnh nhưng bệnh thường nhẹ và không có biến chứng nguy hiểm.
Vaccine quai bị có thể được sử dụng sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi, thường dùng dạng vaccine kết hợp sởi-quai bị - rubella. Các vaccine được chứng minh an toàn và có hiệu lực cao, bảo vệ đạt đến trẻ 95% và miễn dịch bảo vệ lâu dài.
Chi Lê