Từ tối 19/4, nhiều diễn đàn phản ánh về việc một số trường THCS ở Hà Nội vận động, thậm chí yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực kém phải chuyển sang trường tư, trường nghề hoặc cam kết không thi vào lớp 10 công lập. Thông tin được đưa ra vào thời điểm các trường THCS đang tổ chức hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp trước kỳ thi vào lớp 10, được tổ chức giữa tháng 6.
Các phản ánh đề cập đến hai trường THCS ở quận Cầu Giấy. Một số phụ huynh ở các quận khác cũng cho biết "từng rơi vào trường hợp này". Với lời khuyên "đi học nghề", lý do nhà trường đưa ra là những em học lực kém nhiều khả năng sẽ trượt kỳ thi vào lớp 10, chuyển hướng học nghề là giải pháp phù hợp hơn. Trong khi đó, một số phụ huynh cho biết, họ thậm chí được yêu cầu viết cam kết chuyển sang trường tư hoặc không dự thi vào lớp 10.
Thông tin này khiến nhiều người cho rằng, giáo viên và nhà trường có thể đang gặp áp lực về thành tích. Nếu học sinh trượt lớp 10 THPT công lập, trường và giáo viên dạy bị ảnh hưởng đến xếp loại. Học sinh THCS được xét tốt nghiệp, không cần thi, nên kết quả thi vào lớp 10 của các em là một trong những tiêu chí đánh giá trường và giáo viên.
Các phản ánh này, nếu diễn ra trong thực tế, là vi phạm quyền tiếp cận giáo dục của trẻ. Luật Trẻ em 2016, điều 16 mục 1 quy định trẻ em dưới 16 tuổi có quyền được giáo dục, học tập, được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục, được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.
Ngay sau khi sự việc được phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương làm rõ, kêu gọi những người liên quan gửi thêm thông tin và bằng chứng, qua email và số điện thoại Bộ cung cấp.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên, gửi báo cáo trước chiều 21/4.
Sáng 20/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hai trường THCS được đề cập trên các diễn đàn là Nghĩa Tân và Dịch Vọng. "Phòng đã gọi điện để xác minh một số phụ huynh, kết quả đều khẳng định không có sự việc trường ép buộc chuyển trường", báo cáo của Phòng gửi Sở nêu, đồng thời khẳng định "trường không có chủ trương yêu cầu học sinh học lực không tốt phải chuyển trường hay không thi lớp 10 THPT".
Nhằm giúp đỡ học sinh có học lực trung bình và yếu, hai trường THCS Nghĩa Tân, Dịch Vọng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp trao đổi với phụ huynh thường xuyên. Trong năm học, số phụ huynh được trao đổi là 21 người/16 lớp (trường Nghĩa Tân) và 44 người/12 lớp (trường Dịch Vọng). "Nội dung các buổi trao đổi là về tình hình học của các em và đề nghị các biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường, không bắt các em chuyển trường hay không thi cấp ba", báo cáo nói.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu mọi trường THCS chấm dứt việc vận động học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 THPT. "Việc học và đăng ký tuyển sinh là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ. Công tác phân luồng sau cấp THCS phải được định hướng cho học sinh rõ ràng, để các em đưa ra lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc", Sở cho biết.
Sau bậc THCS, học sinh có hai lựa chọn: tiếp tục con đường học vấn, vào các trường THPT hoặc theo hướng học nghề. Năm nay, khoảng 129.000 học sinh được xét tốt nghiệp THCS. Hơn 104.000 em trong số đó đăng ký xét tuyển vào THPT (với 77.000 chỉ tiêu công lập và 27.000 chỉ tiêu tư thục). 25.000 em còn lại sẽ học giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Dịch Vọng và Nghĩa Tân là hai trường THCS được đầu tư cơ sở vật chất, có chất lượng đào tạo tốt ở quận Cầu Giấy. Năm 2020-2021, trường Dịch Vọng có 413 học sinh dự vào lớp 10 THPT. Trong đó, 270 em đỗ nguyện vọng một, 88 nguyện vọng hai và 15 nguyện vọng ba, còn lại đỗ chuyên, cận chuyên và các trường tư thục. Điểm xét tuyển trung bình của các em là 47,32, trung bình 7,8 điểm mỗi môn.
Với trường Nghĩa Tân, điểm xét tuyển thi vào lớp 10 năm 2020-2021 là 48,96 (trung bình 8,16 điểm mỗi môn), xếp thứ hai trong khối các trường công lập của quận Cầu Giấy (chỉ sau THCS Cầu) và top 5 thành phố Hà Nội.
Thanh Hằng