Tại cuộc họp trực tuyến do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức chiều 25/2, Giám đốc Chử Xuân Dũng khẳng định thành phố đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh nếu đi học trở lại vào ngày 2/3.
Trong tâm trạng lo lắng của một học sinh cuối cấp khi phải nghỉ học kéo dài, độc giả Trung Nguyên chia sẻ: "Học sinh lớp 9, lớp 12 chúng con năm tới chuyển cấp, còn phải đi thi, nhập học; một số bạn đi du học nước ngoài chỉ vì bị đẩy lùi lịch thi một tháng tránh dịch nên đã coi như bỏ luôn cơ hội nhập học tháng 9 vì không đủ thời gian làm visa. Các bạn học sinh cuối cấp đã 'cày' cả năm để chuẩn bị cho kỳ thi, nếu lùi vài tháng là sẽ phải học lại cả năm, sẽ gây ra hậu quả khôn lường, nó còn to hơn cả dịch bệnh. Việc chống dịch phải được giáo dục để học sinh, người trẻ hiểu biết, chủ động phòng tránh, chứ không phải né tránh dịch như thế này. Né tránh thế này cho đến lúc thế hệ chúng em lớn lên, phải chống chọi với dịch bệnh cam go hơn thì sẽ ra sao? Phải giáo dục từ gia đình, còn né tránh thế này thì xã hội đi đến đâu hả các bác".
Trong khi đó, đánh giá về những hạn chế của phương án học online trong thời gian nghỉ tránh dịch, bạn đọc Nguyễn Trung Hiếu chỉ ra nhiều bất cập: "Ở Việt nói riêng và thế giới nói chung, khó mà triển khai dạy học online cho trẻ ở bậc phổ thông. Đó là chưa nói đến tình trạng học hộ của các bậc phụ huynh. Đừng nói đến điểm kiểm tra, điểm thi... bài tập về nhà của các bé được phụ huynh làm giúp không hề ít, như: vẽ, thí nghiệm, làm văn, giải toán...
Không những vậy, để học online cần phải có phương tiện tương ứng. Đầu tiên, phải có internet, các phương tiện nghe nhìn kết nối mạng, công cụ nhập liệu... không thể để các em học bằng cách xem qua smartphone vì màn hình quá nhỏ để trẻ có thể học trong một thời gian dài. Đó là chưa kể các kỹ năng cần có khi sử dụng phương tiện nghe nhìn. Và không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện, cấp tốc mua sắm sẽ làm đội giá do khan hiếm, hoặc ra các tiệm net là đi ngược với chủ trương tránh dịch".
Dẫn chứng công tác chồng dịch hiệu quả của một số nước trên thế giới, độc giả Cường 2020 nhấn mạnh: "Hoan hô ý kiến cho đi học lại từ 2/3 của thành phố Hà Nội. Sợ hãi là một căn bệnh lớn, kéo theo hiệu ứng cho nên tình trạng trì trệ ngày càng lớn. Tôi rất ấn tượng với Đài Loan, khi kiểm soát dịch tốt họ cho đi học ngay từ 25/2. Đất nước của họ như vậy mới phát triển được. Tóm lại, ai muốn cho con nghỉ cứ tự nhiên. Còn lại phải hành động, phải bắt đầu thì mới mong có kết quả mới".
Cũng ủng hộ phương án để học sinh trở lại trường từ đầu tháng 3, bạn đọc Mỹ Hương đề xuất những biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ: "Đề nghị khi cho trẻ quay lại trường:
- Kiểm tra thân nhiệt, rửa tay, xịt mũi muối biển, súc miệng nước súc miệng diệt khuẩn.
- Khuyến khích đeo khẩu trang giờ ra chơi, sử dụng khẩu trang vải giặt sạch hàng ngày cũng tốt.
- Hạn chế đưa con đi du lịch.
- Khuyến khích học sinh mang thìa, đũa, cốc uống nước riêng.
- Sử dụng tinh dầu trong lớp học.
- Khử trùng lớp học định kỳ 2 lần/ tuần".
"Vậy theo các bạn nếu hết tháng 3 lại có một ổ dịch nữa, tháng 4 một ổ dịch nữa... thì năm nay các cháu không cần đi học nữa? Tôi đồng ý với quan điểm của PGS. TS Nguyễn Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur: môi trường học đường an toàn hơn ở nhà rất nhiều. Không thể nào các cháu ở nhà mà gia đình cách ly 100% được, các cháu phải phát triển cả thể chất, tinh thần, trí tuệ...", độc giả Tuan Diep Pham kết lại.
>> Theo bạn nên kéo dài kỳ nghỉ tránh dịch nCoV của học sinh, sinh viên đến khi nào? Chia sẻ cho trang Ý kiến tại đây.