Đánh giá về đề xuất nghỉ học hết tháng 3, nhiều độc giả VnExpress chỉ ra những hệ lụy từ việc kéo dài kỳ nghỉ của học sinh, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của phòng dịch chủ động thay vì sợ hãi thái quá:
1. Hoc sinh nghỉ học, cha mẹ cũng phải nghĩ trông con dẫn đến không đi làm được, dĩ nhiên không một công ty nào chấp nhận nhân viên nghỉ 1-2 tháng vì như vậy không thể vận hành sản xuất. Cuối cùng họ sẽ tuyển nhân viên mới, các bậc cha me có nguy cơ bị mất việc.
2. Học online không bao giờ tiếp thu được hết những kiến thức bằng các học sinh đã học trực tiếp tại trường, dẫn đến tình trạng trình độ không đồng đều, khả năng thi rớt cao, khó có việc khi ra trường, thậm chí không đậu cả tốt nghiệp bậc học.
3. Ai cũng nghĩ cho con đi học thì sợ bị nhiệm virus, nhưng nên nhớ, môi trường của học sinh gói gọn trong trường học, không phải tiếp xúc với đa dạng người từ các nước, từ các tầng lớp xã hội, dựa vào điều này, tỷ lệ bị nhiễm của các em không cao. Ngược lại, tỷ lệ lây nhiễm của người lớn mới là cao, do môi trường phải tiếp xúc đa dạng người, nhiều quốc tịch... Hãy nhìn vào những ca nhiễm trên thế giới và ở Việt Nam, đa số không phải bậc học sinh hay trẻ em bị nhiễm virus, mà lại chính là những người đang đi làm, do phải tiếp xúc và làm việc ở môi trường phức tạp hơn.
Vậy nên không cần thiết cho học sinh nghỉ học. Chi cần đãm bảo phòng chống tốt cho học sinh, phụ huynh thắt chặt giờ ra về và học tập của con với nhà trường, trực tiếp đưa đón để khỏi la cà là được. Nếu dịch còn kéo dài, lại nghỉ học dài, dẫn đến trì trệ rất nhiều thứ như: học sinh phải thi và học chung với đợt kế, phụ huynh phải thôi việc chăm con, công ty không còn nhân viên đi làm.
Việc học sinh nghĩ học đến tháng 4 mới đi học lại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các em, phụ huynh và cả nền kinh tế.
1. Những gia đình khó khăn, vợ chồng phải thay phiên nhau ở nhà để trông trẻ, dẫn đến ảnh hưởng kinh tế gia đình.
2. Học sinh nghỉ dài ngày ảnh hưởng đến chất lượng học tập do sự gián đoạn, làm sao nhãng việc học.
3. Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tại sao chúng ta không biến bị động thành chủ động? Cho các em đến trường, nhà trường, ngành giáo dục phối hợp để kiểm soát và trang bị cho các em thêm kỹ năng mềm để chủ động phòng chống dịch bệnh thì sẽ tốt hơn nhiều.
Thực tế, chúng ta đang hạn chế các em đến trường để các em ở nhà nhưng vô tình làm cho các em học sinh thiếu đi sự chủ động mà hoàn toàn dựa dẫm vào người lớn. Nếu dịch bệnh thực sự xảy ra và lây lan với diện rộng như ở Trung Quốc thì ý thức và sự chủ động phòng ngừa dịch bệnh của các em học sinh sẽ rất kém và nguy cơ lây lan lại càng cao hơn.
4. Loại trừ những vùng đã và đang có khả năng lây nhiễm bệnh cao để xem xét cho các em đến trường vào thời điểm thích hợp. Còn lại, theo tôi nên cho các em đi học trở lại vào đầu tháng 3 là thích hợp.
Tôi ủng hộ cho học sinh đi học. Thực tế, Việt Nam đã cách ly tốt với mầm bệnh từ bên ngoài. Nghỉ dài sẽ gây nhiều hệ lụy:
1. Với người ở nông thôn, người lao động tự do hay bố mẹ trẻ dưới 28 tuổi thì chuyện nghỉ làm cũng chỉ cần ăn uống, sinh hoạt bớt lại chút, hết dịch kiếm việc làm lại dễ dàng. Nhưng với những người làm việc ổn định, trên 30 tuổi (số đông), việc nghỉ làm và xin lại được công việc mới là cả một vấn đề, có khi không xin được việc như cũ, làm thay đổi cả cuộc đời còn lại (tất nhiên tính mặt bằng chung chứ không thể tính người quá tài giỏi). Nó kéo theo hệ lụy lâu dài chứ không phải mấy đồng tiền ít ỏi kiếm trong vài ngày.
2. Mọi người có nghĩ chuyện nghỉ quá dài tác động tới học sinh thế nào? Nó tạo tâm lý trì trệ giông như sau những đợt nghỉ hè phải mất 1-2 tuần, các em phải làm quen lại với bài vở. Rồi công tác thi cử, tuyển sinh của các lớp cuối cấp ra sao?
3. Hệ thống nhà trường tư thục hoạt động thế nào khi học sinh nghỉ hết? Nguồn thu không có trong khi nguồn chi không thay đổi. Ở thành phố, hệ thống trường tư thục giảm tải cho trường công không hề nhỏ.
Trước hết, tôi đồng tình quan điểm "sức khỏe, tính mạng con người là trên hết". Tuy nhiên, từ góc độ khác, tôi không đồng ý việc cho học sinh nghỉ thêm. Vì hiện tại, tình hình bệnh đã có dấu hiệu chững lại, hơn nữa, Việt Nam đang làm rất tốt công tác kiểm soát dịch. Bên cạnh đó, trong suốt một thời gian dài, không phát hiện ca lây nhiễm mới, vậy vì sao lại cần nghỉ thêm? Nếu các bạn thường xuyên theo dõi thông tin về dịch bệnh, thì nhận định chung là virus corona chủng mới tuy lây lan nhanh, nhưng độc lực thấp, tỷ lệ tử vong chỉ hơi cao hơn so với các bệnh cúm thông thường (do bệnh bùng phát ở Trung Quốc, mật độ dân số đông, nên số ca bệnh cao, gây quá tải, dẫn đến số người tử vong cũng cao, từ đó khiến nhiều người lo lắng).
Chúng ta cẩn thận phòng tránh, nhưng không vì nó mà làm trì trệ quá mức các hoạt động bình thường của cuộc sống. Từ giờ đến tháng 3, còn hơn một tuần nữa, vẫn đủ thời gian để chúng ta có thể điều chỉnh kế hoạch, nên quan điểm cá nhân của tôi là cho học sinh, sinh viên nghỉ hết tháng 2 là đủ, không cần kéo dài.
>> Theo bạn nên kéo dài kỳ nghỉ tránh dịch nCoV của học sinh, sinh viên đến khi nào? Chia sẻ cho trang Ý kiến tại đây.