Truyền thông Trung Quốc ngày 13/7 cho biết cuộc giải cứu của diễn ra gần khu mỏ do công ty Trung Quốc vận hành gần Bambari, Cộng hòa Trung Phi hồi đầu tháng.
Đơn vị Wagner tại khu vực ngày 1/7 nhận được tin tình báo về kế hoạch tấn công của nhóm phiến quân trong khu vực và đại sứ quán Trung Quốc "đã liên hệ nhờ hỗ trợ".
Các thành viên Wagner ngày 2/7 lên đường tìm kiếm nhóm thợ mỏ Trung Quốc và phát hiện họ ẩn náu trong một khu rừng gần đó. Lực lượng Wagner hai ngày sau sơ tán nhóm thợ mỏ Trung Quốc tới thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi.
Trước đó, một nhóm phiến quân chưa rõ danh tính hồi tháng 3 tấn công mỏ vàng ở phía bắc Bambari, khiến 9 công dân Trung Quốc thiệt mạng và hai người bị thương. Hai quan chức phương Tây tại Cộng hòa Trung Phi cho biết các thành viên Wagner đã chuyển thi thể của công dân Trung Quốc về thủ đô Bangui.
Ba nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết việc doanh nghiệp nước này "tìm kiếm hỗ trợ từ các lực lượng an ninh tư nhân ở địa phương để bảo vệ công dân và tài sản Trung Quốc ở nước ngoài là điều rất phổ biến".
Tian Buchou, cựu binh Trung Quốc từng quản lý an ninh cho các công ty nước này ở Trung Đông và châu Phi, nhận định chiến dịch giải cứu thợ mỏ của Wagner "là một trong những hoạt động thường thấy". "Tập đoàn Wagner không phải lựa chọn duy nhất của họ tại Cộng hòa Trung Phi", Tian Buchou nói.
"Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu này đối với Wagner có thể rất quan trọng, trong bối cảnh tập đoàn đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh tại châu Phi, cạnh tranh với các nhóm lính đánh thuê đến từ một số quốc gia khác", Tian Buchou cho biết.
Một cựu binh Trung Quốc đánh giá Wagner mở chiến dịch giải cứu nhóm thợ mỏ để thể hiện rằng họ "rất mong muốn giúp Nga củng cố quan hệ với Trung Quốc".
"Chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được phép khai thác mỏ tại châu Phi", cựu binh này giải thích. "Các công ty Trung Quốc là những khách hàng tiềm năng lớn của Wagner".
Chu Thần Minh, chuyên gia tại Bắc Kinh, nhận định Wagner công bố thông tin về chiến dịch giải cứu thợ mỏ Trung Quốc "có thể phát đi thông điệp rằng họ đang tái tập trung vào hoạt động kinh doanh ở châu Phi" sau vụ nổi loạn ở Nga cuối tháng 6.
"Tập đoàn Wagner muốn tuyên bố với thế giới rằng họ đang tiếp tục hoạt động thương mại trước đây của mình", ông Chu nói.
Tập đoàn Wagner được cho là một "đế chế kinh doanh" hoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới. Sau vụ nổi loạn ngày 24/6, hoạt động của tập đoàn này ở Nga giảm đi đáng kể, nhưng các quan chức Điện Kremlin cho hay Wagner vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình ở châu Phi.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)