Tiểu đoàn trưởng Oleksander rẽ trái trong chiến hào, bước vào một căn hầm chật chội với những tấm vải ngụy trang treo lủng lẳng phía trên. Oleksander kéo một tấm bạt, nắng sớm tràn vào, cho phép người bên trong quan sát vị trí đối phương ở phía xa.
Căn hầm này nằm trên điểm cao chiến lược gần Novotroitske, dọc đường phân giới với phe ly khai ở miền đông Ukraine trong cuộc chiến đã kéo dài suốt 8 năm qua. Oleksander nói không nên mở tấm bạt quá lâu, vì phe ly khai có thể nhìn thấy và ngắm bắn.
"Chúng tôi theo dõi mọi thứ từ đây", Oleksander nói, đề cập đến cuộc đối đầu giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn. Oleksander là một trong số khoảng 209.000 binh sĩ Ukraine được giao nhiệm vụ bám trụ ở tiền tuyến với phe ly khai trong cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của khoảng 14.000 người từ năm 2014.
Quân đội Ukraine trong 8 năm trải qua nhiều thay đổi, các binh sĩ được trang bị và huấn luyện bài bản hơn nhờ khoản viện trợ hàng tỷ USD từ Mỹ cùng các thành viên khác trong NATO. Nhưng trong bất kỳ tình huống xung đột nào, Ukraine sẽ phải đơn độc chiến đấu, bởi nước này không phải là thành viên NATO.
Khi căng thẳng ở biên giới Ukraine tăng nhiệt vài tuần qua, Nga đã đưa ra 8 đề nghị an ninh, trong đó có yêu cầu NATO đảm bảo không bao giờ kết nạp quốc gia Đông Âu này. NATO từ chối đáp ứng yêu cầu của Nga và khẳng định vẫn duy trì chính sách mở cửa. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh NATO cho biết sẽ không triển khai lực lượng tới Ukraine nếu nổ ra xung đột với Nga.
Trên tiền tuyến, những binh sĩ dưới quyền Oleksander vẫn chủ yếu sử dụng khí tài từ thời Liên Xô, bên cạnh một số tên lửa chống tăng và phòng không được NATO cung cấp. Chiến sự với phe ly khai đã lắng xuống, nhưng những cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn thỉnh thoảng nổ ra.
"Phòng thủ là công việc của chúng tôi", Oleksander nói. "Nhưng chúng tôi biết ơn bất cứ ai giúp sức".
Chuyến thăm của các phóng viên tiếp tục với xe tải GAZ-66. Một binh sĩ Ukraine nói đó là phương tiện bị ghét nhất trong quân đội nước này. GAZ-66 được sản xuất từ thời Liên Xô và chủ yếu phục vụ hoạt động di chuyển trên địa hình phức tạp. Nhiều người nói bị xóc đến đau bụng khi ngồi trên GAZ-66 và ví chuyến đi như thể cưỡi bò máy.
Hạ sĩ Vanya, 29 tuổi, nói từng được huấn luyện bởi các chỉ huy thuộc thế hệ trước, những người mang súng gắn lưỡi lê đời cũ. "Thời nay còn ai mang theo những loại vũ khí kiểu đó chứ?", Vanya nói, giải thích cho thái độ không coi trọng kiến thức huấn luyện của những chỉ huy này.
Trên mặt sau mũ sắt của Vanya có một miếng dán quốc kỳ Mỹ. Hạ sĩ này cho biết đây là món quà của chuyên gia quân sự Mỹ mà anh gặp trong đợt huấn luyện sử dụng vũ khí của nước này ở miền tây Ukraine năm 2020, trong đó có tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin.
Cuộc sống trong chiến hào ở miền đông Ukraine giờ chủ yếu xoay quanh chuyện hút thuốc và chờ đợi. Novotroitske từng là điểm nóng đụng độ giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai nhiều năm trước. Quân chính phủ Ukraine chiếm được ngọn đồi và sau đó kiểm soát vị trí này cho tới nay.
Chỉ huy Oleksander và một binh sĩ có biệt danh Vampire tới nơi những người khác đang đào chiến hào. Oleksander giải thích cần liên tục đào chiến hào và vị trí chiến đấu mới để đối phương không thể phát hiện ra.
"Có lẽ ai đó sẽ thấy điều này và chuyển cho chúng tôi hai tên lửa Javelin", một binh sĩ Ukraine nói. "Hoặc tốt hơn là họ gửi cho chúng tôi một máy xúc".
Oleksander đặt sở chỉ huy tiểu đoàn trong tầng hầm một căn nhà bỏ hoang. Ông chỉ tay vào ba chiếc bàn dán nhãn những từ viết tắt theo ký tự Latinh, trong đó có S2 cho vị trí trinh sát, ADA cho vị trí pháo phòng không, FSO là sĩ quan yểm trợ hỏa lực. "Nó đơn giản, giống như ở Mỹ".
Một căn phòng khác ở tầng trên gắn tấm biển đề S1, cho biết đây là phòng hành chính. Ukraine thúc đẩy cải tổ quân đội với nhiều thay đổi nhỏ nhất, như áp dụng các thuật ngữ quân sự kiểu Mỹ. "Đó cũng là cách tiến thêm một bước tới NATO", Oleksander nói. "Tôi hy vọng là thế".
Oleksander từng tham gia chương trình đào tạo tại căn cứ Ford Benning và Lackland ở Mỹ năm 2011-2012. Ông đánh giá cao các phương pháp của quân đội Mỹ, từ hệ thống huấn luyện đến các bài học về vận hành sở chỉ huy.
Khi trở về Ukraine năm 2012, Oleksander nhận thấy quân đội nước mình thiếu thốn đến mức nào, kể cả trang bị cơ bản như giày bốt và mũ sắt phù hợp.
"Quân phục chưa đổi, vũ khí không đổi, chẳng có gì thay đổi cả", Oleksander nói. "Nếu có ai đó tới giúp, tôi chỉ e mình không sống nổi được tới ngày đấy".
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)