Lực lượng Nga trong thời gian gần đây liên tục tiến công nhiều vị trí của Ukraine trên chiến tuyến dài 1.000 km, đặc biệt ở khu vực miền đông. "Họ liên tục khai hỏa. Máy bay bay qua đầu chúng tôi", Dmytro, một binh sĩ Ukraine thuộc lữ đoàn cận vệ tổng thống xung kích số 1, ngày 31/1 kể về tình hình trên tiền tuyến.
"Nhưng có lẽ điều đáng sợ nhất là xe tăng Nga", Dmytro nói. "Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng máy bay khi chúng bay qua, song không nghe thấy tiếng pháo xe tăng của họ khai hỏa. Khi gặp xe tăng, chỉ có Chúa mới giúp được bạn".
Dmytro nhận định pháo binh Nga là mối đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường nhưng xe tăng Nga là thứ anh e ngại nhất.
Bộ Quốc phòng Anh nhận định Ukraine gây ra tổn thất nặng nề cho lực lượng tăng thiết giáp Nga, khoảng 2.600 xe tăng bị loại khỏi vòng chiến đấu từ khi xung đột bùng phát.
Cơ quan này thừa nhận quân đội Nga vẫn thay thế được số xe tăng đã mất và ngành công nghiệp quốc phòng của họ mỗi tháng có thể xuất xưởng khoảng 100 chiếc.
Trong khi đó, quân đội Ukraine gần đây vật lộn với tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược, đặc biệt khi viện trợ quan trọng từ Mỹ chưa được quốc hội nước này thông qua. Nhiều xe tăng Leopard 2 của Ukraine không thể hoạt động do thiếu phụ tùng để sửa chữa, khắc phục hư hại trong giao tranh hoặc hỏng hóc khi vận hành.
"Chuyện chúng tôi thiếu đạn pháo đã rõ ràng rồi", Nazariy, một binh sĩ Ukraine vận hành máy bay không người lái (UAV), cho biết. "Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu hiệu quả và bắn chính xác nhất có thể để đánh trúng vị trí khai hỏa của đối phương".
Các quan chức Ukraine cho biết Nga gia tăng cường độ tiến công ở một số khu vực trong những ngày qua, tại vài nơi diễn ra đến 50 trận giao tranh mỗi ngày. "Tình hình rất dồn dập và căng thẳng", Dmytro nói. "Nga có nhiều trang thiết bị quân sự và nhân lực hơn. Mỗi ngày họ đều tiến công vị trí của chúng tôi".
Nga gần đây tăng cường sản lượng ngành công nghiệp quốc phòng và tuyển quân. Một số thống kê gần đây cho biết ngoài khả năng xuất xưởng tới 100 xe tăng mỗi tháng, Nga có đủ khả năng thay thế số quân mất trong các trận đánh với Ukraine.
Ukraine chưa nhận được gói viện trợ quân sự mới nào từ Mỹ trong khoảng một tháng qua. Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ không thể sửa chữa số vũ khí mà họ đã chuyển cho Ukraine.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với quốc hội và kêu gọi bổ sung viện trợ càng sớm càng tốt", thiếu tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ngày 23/1 cam kết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó bày tỏ lo ngại rằng việc thiếu viện trợ từ phương Tây sẽ khiến "rất nhiều người thiệt mạng hoặc bị thương". Các quan chức Ukraine nói lực lượng nước này đang cố thủ và cạn dần đạn dược.
Nguyễn Tiến (Theo BI, Reuters, AFP)