"Trong cuộc chiến này, đã đến lúc chúng ta có thể cung cấp các loại hình huấn luyện để giúp binh sĩ Ukraine vận hành các hệ thống vũ khí hiện đại, giúp họ có thể tập trung vào nỗ lực bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ", người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết trong cuộc họp báo hôm 5/1.
Theo tướng Ryde, Lầu Năm Góc đang cân nhắc đưa binh sĩ Ukraine tới Mỹ để huấn luyện cách vận hành hệ thống tên lửa Patriot, cũng như cử họ tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài. hoặc kết hợp cả hai hình thức này.
Trước đó, quân đội Mỹ lên kế hoạch huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng và bảo trì hệ thống tên lửa Patriot ở một nước thứ ba, nhiều khả năng là Đức, trước khi chuyển tổ hợp này cho Ukraine.
Theo Lầu Năm Góc, quá trình huấn luyện lực lượng Ukraine vận hành hệ thống tên lửa Patriot dự kiến mất vài tháng. Một tổ hợp Patriot hiện đại đòi hỏi hàng chục binh sĩ vận hành và bảo dưỡng.
Tổ hợp Patriot gồm một radar phát hiện và theo dõi mục tiêu, các hệ thống máy tính, thiết bị phát điện, trạm chỉ huy và tối đa 8 xe chở đạn kiêm bệ phóng, mỗi xe mang theo 4 đạn tên lửa. Đây sẽ là tổ hợp phòng thủ tầm xa hiệu quả nhất được phương Tây chuyển tới Ukraine.
Mỹ cuối năm ngoái xác nhận sẽ chuyển tên lửa Patriot tới Ukraine, song chưa có thời gian cụ thể. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc tiếp nhận hệ thống Patriot từ Mỹ.
Mỹ là nước hỗ trợ Ukraine tích cực nhất và cũng nỗ lực dẫn dắt các đồng minh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự. Washington đã cung cấp các khoản hỗ trợ ước tính 50 tỷ USD, trong đó có khoảng 20 tỷ USD viện trợ an ninh, nhằm giúp Ukraine đối phó lực lượng Nga.
Điện Kremlin đã cảnh báo các hệ thống Patriot của Mỹ sẽ là mục tiêu hợp pháp nếu xuất hiện tại Ukraine. Nga cũng cáo buộc Mỹ làm gia tăng nguy cơ xung đột trực tiếp khi tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo CNN/Kyiv Independent)