Số ca nhiễm tại châu Âu đang leo thang. Chỉ trong tuần trước, châu Âu báo cáo gần 1,8 triệu ca dương tính và 24.000 trường hợp tử vong, chiếm 59% tổng số ca nhiễm và 48% số ca tử vong toàn cầu. Khu vực trở thành tâm dịch mới nhất, theo Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu lục này.
Bước vào mùa đông thứ hai của đại dịch, các chính phủ một lần nữa đối mặt với nhiệm vụ khó khăn: Nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm, cứu sống bệnh nhân, bảo vệ hệ thống y tế vốn mong manh, đồng thời tránh áp đặt hạn chế quá hà khắc ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe tinh thần người dân.
Tháng qua, 23 quốc gia châu Âu đã tái áp dụng giãn cách xã hội và biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn biến thể Delta lây lan. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, hầu hết nước EU bắt đầu tiêm liều vaccine thứ ba cho người dễ tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, theo Marco Cavaleri, Giám đốc chiến lược vaccine tại Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Đây được coi là công cụ hiệu quả tiếp theo để đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Về phía cơ quan quản lý, EMA ủng hộ các nước phê duyệt liều vaccine Moderna và Pfizer thứ ba cho tất cả người trên 18 tuổi, hỗ trợ các quốc gia mở rộng chương trình tiêm chủng nếu có nhu cầu.
Trong cuộc họp báo ngày 4/11, Cavaleri nhận định việc mở rộng liều ba tới dân số nói chung là "bước tiếp theo" giúp thế giới thoát đại dịch.
Kể từ tháng 9, phần lớn các nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Bỉ, Áo tiêm liều vaccine thứ ba cho những người dễ tổn thương, lớn tuổi và bị suy giảm miễn dịch. Mục tiêu chính của chương trình là "kéo dài sự bảo vệ, giảm thiểu số ca nhiễm nghiêm trọng khi thời tiết lạnh hơn", Wei Shen Lim, Chủ tịch Ủy ban Phối hợp về Tiêm chủng của Anh, thông báo.
Trích dẫn một nghiên cứu của Đức, Leif Erik Sander, người đứng đầu nhóm chuyên gia về miễn dịch và vaccine tại Viện Nghiên cứu Berlin Charité, cho biết 40% người trên 70 tuổi không còn kháng thể trung hòa 6 tháng sau tiêm chủng.
Israel là một trong những nước đầu tiên quyết định tiêm nhắc lại liều thứ ba, cung cấp bài học kinh nghiệm cho nhiều nước. Chương trình tiêm chủng giúp ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới. Theo Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu dịch vụ y tế công cộng tại Bộ Y tế, dự báo dịch tễ thời điểm đó cho thấy các bệnh viện sẽ bị quá tải nếu lượng bệnh nhân tăng nhanh không kiểm soát.
"Trường hợp nghiêm trọng tăng theo cấp số nhân, vì vậy chúng tôi cần hành động nhanh chóng", bà Alroy-Preis nói về chương trình tiêm nhắc lại.
Các nghiên cứu cho thấy tiêm liều vaccine Pfizer thứ ba 11 tháng sau liều thứ hai giúp khôi phục mức độ miễn dịch, giúp chống lại các ca Covid-19 có triệu chứng.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đề xuất tiêm liều thứ ba cho tất cả người trưởng thành. Song Ủy ban Tiêm chủng Quốc gia (STIKO) vẫn giới hạn chương trình cho người cao tuổi, người có bệnh nền.
"ICU sẽ tiếp nhận ít bệnh nhân nếu số người đã tiêm vaccine tăng lên", ông Spahn nhận định trong cuộc họp báo ngày 4/11. STIKO cho biết sẽ quyết định xem có nên mở rộng chương trình tiêm chủng nhắc lại hay không "trong vài tuần tới".
Hy Lạp có động thái nhanh chóng hơn. Kể từ ngày 5/11, nước này mở rộng chương trình tiêm liều thứ ba bắt buộc cho tất cả mọi người. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết chính phủ cũng đang xem xét thêm ngày hết hạn vào giấy chứng nhận tiêm chủng 6 tháng sau liều thứ hai. Nếu không có thẻ xanh, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động xã hội thường ngày, như đi ăn tại nhà hàng, vào quán bar, phòng gym,...
Đối với các nước đã tiêm liều ba kể từ tháng 8 như Hungary, chính phủ thậm chí cân nhắc tiêm liều thứ tư trong những tháng mùa đông tới.
Tại Anh, hơn 9 triệu người đã tiêm nhắc lại. Thủ tướng Boris Johnson hôm 8/11 cho biết nhiều người cao tuổi nhập viện do vaccine suy giảm hiệu quả, kêu gọi người dân tiêm liều thứ ba càng sớm càng tốt. Bộ Y tế Anh cuối tuần trước thông báo mở đặt chỗ sớm một tháng cho những người sắp đủ thời hạn tiêm mũi tăng cường, nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai vaccine trước mùa đông. Người dân Anh trước đó phải chờ tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm đủ hai mũi vaccine để đặt lịch tiêm liều tăng cường.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần này cập nhật hướng dẫn cho biết người dễ nhiễm nCoV có thể đủ điều kiện tiêm liều vaccine thứ 4 vào đầu năm sau. EMA cũng đang xem xét phương án tương tự.
Cavaleri cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi thêm, chưa thể loại trừ khả năng liều thứ tư cần thiết trong tương lai gần cho người bị suy giảm miễn dịch".
EMA đang thu thập dữ liệu và sẽ sớm đưa ra khuyến nghị về vấn đề này. Cơ quan cũng xem xét sử dụng loại vaccine khác so với các liều đầu tiên. Nhiều quốc gia đã tiêm trộn vaccine, dữ liệu ban đầu cho thấy phản ứng miễn dịch sẽ mạnh mẽ hơn so với tiêm cùng loại.
Trong khi đó, hệ thống y tế các nước phải đối mặt với cuộc chiến về hậu cần, bởi liều lượng vaccine khác nhau giữa trẻ nhỏ và người lớn, đồng thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn khu vực đang gia tăng.
Một mặt, nhiều người vẫn đặt nghi vấn về việc liệu liều vaccine thứ ba có thực sự cần thiết, đặc biệt là với người trẻ tuổi, hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Mặt khác, những người ủng hộ tiêm nhắc lại cho rằng đây là vũ khí hữu hiệu chống lại các đợt bùng phát Covid-19 tiếp theo.
Leif Erik Sander, chuyên gia vaccine và bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Charite ở Berlin, Đức, cho biết các bác sĩ và y tá đã kiệt sức. Ông nói: "Chúng ta cần duy trì miễn dịch cao trong ba đến 4 tháng để hạn chế lây nhiễm và các đợt bùng phát. Đáng lẽ chúng ta nên làm điều này (tiêm nhắc lại) sớm hơn một chút, nhưng giờ vẫn là thời điểm thích hợp".
Thục Linh (Theo Politico, Bloomberg, Reuters)