Đến nay, vaccine của hãng được tiêm theo liệu trình hai liều, cách nhau từ 4 đến 12 tuần.
Nghiên cứu chưa qua bình duyệt, được công bố sơ bộ trên trang web khoa học. 90 tình nguyện viên tham gia sinh sống ở Anh, thuộc nhóm tiêm vaccine sớm nhất trong thử nghiệm lâm sàng năm ngoái. Tháng 3 vừa qua, họ được tiêm liều vaccine thứ ba, khoảng 30 tuần sau liều thứ hai.
Phân tích cho thấy liều bổ sung làm tăng mức kháng thể đối với virus lên cao hơn. Giáo sư Andrew Pollard, chuyên gia Đại học Oxford, người dẫn đầu nghiên cứu, nhận định các dữ liệu mới rất đáng khích lệ, đủ để chứng minh tiêm ba liều vaccine AstraZeneca có thể giúp duy trì khả năng miễn dịch.
Giới khoa học và nhà hoạch định chính sách chưa kết luận liệu có nên tiêm liều tăng cường. Ngày 28/6, các chuyên gia báo cáo miễn dịch tạo bởi vacicne Pfizer và Moderna có thể kéo dài nhiều năm. Song chưa rõ các loại vaccine khác, bao gồm AstraZeneca, có hiệu quả tương tự hay không.
Biến thể nCoV mới nổi cũng thúc đẩy nhu cầu tiêm chủng nhắc lại. Nếu cần tiêm liều thứ ba trong vài tháng tới, nguồn cung sẽ bị hạn chế nghiêm trọng, đặc biệt là tại các quốc gia nghèo hơn, vốn đã chịu cảnh khan hiếm.
Đầu tháng này, Viện Y tế Quốc gia Mỹ thông báo khởi động thử nghiệm lâm sàng trên người được tiêm chủng đầy đủ. Mục đích để kiểm tra xem tiêm liều thứ ba vaccine Moderna có làm tăng lượng kháng thể chống Covid-19 hay không.
Hiện vaccine AstraZeneca đã được 80 quốc gia chấp thuận, song không có Mỹ. Nước này đã tích đủ nguồn cung từ Moderna, Johnson & Johnson và Pfizer. Vaccine AstraZeneca là nòng cốt trong sáng kiến Covax của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm tiêm chủng công bằng cho các nước thu nhập thấp, đang phát triển.
Thục Linh (Theo NY Times)