Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 5/1 đồng ý điều lực lượng gìn giữ hòa bình tới hỗ trợ Kazakhstan ổn định tình hình theo đề nghị của Tổng thống nước này, sau khi biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu bùng phát thành bạo loạn.
Sau khi Nga bắt đầu điều quân tới Kazakhstan trong khuôn khổ lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO, khủng hoảng tại quốc gia Trung Á có dấu hiệu hạ nhiệt. Lực lượng an ninh Kazakhstan đã xoay chuyển tình thế, mở các chiến dịch truy quét trên cả nước, tiêu diệt hàng chục phần tử vũ trang và cơ bản vãn hồi trật tự.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/1 khẳng định lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO sẽ không tham gia vào các hoạt động hành pháp và vãn hồi trật tự tại Kazakhstan theo thỏa thuận với nước sở tại. Lực lượng này chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác tại Kazakhstan.
CSTO hiện bao gồm 6 thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tổ chức được thành lập trên cơ sở Hiệp ước An ninh Tập thể được ký năm 1992, tiếp nối sự kiện thành lập Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) sau khi Liên Xô tan rã.
Liên minh quân sự này có trụ sở ở Moskva, nhưng ghế chủ tịch do các nước thành viên luân phiên đảm nhiệm và mọi quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận. Các nước thành viên hàng năm tổ chức tập trận chung và không được phép tham gia những liên minh quân sự khác, như NATO.
Hiến chương của CSTO tạo cơ sở pháp lý cho phép các nước thành viên triển khai lực lượng quân sự tới lãnh thổ của nhau, mua vũ khí theo tỷ giá nội địa của Nga và thiết lập hệ thống phòng không chung.
CSTO bắt đầu tăng cường năng lực quân sự của mình từ những năm 2000, một phần nhằm phản ứng với hiện diện quân sự của Mỹ trại Trung Á cũng như xu hướng mở rộng của NATO. Khối này năm 2009 thành lập một lực lượng phản ứng nhanh. Tháng 12/2010, CSTO thông qua quy tắc mới về hoạt động can thiệp, cho phép liên minh triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để đối phó với tình hình bất ổn tại các quốc gia thành viên.
Điều 4 của Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO quy định các quốc gia thành viên "sẽ lập tức cung cấp hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả biện pháp quân sự" cho một thành viên nếu họ yêu cầu. Đây là căn cứ pháp lý để Nga triển khai hơn 3.000 quân cùng nhiều khí tài hiện đại tới Kazakhstan một cách nhanh chóng.
Liên minh đánh giá đề nghị hỗ trợ của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev là chính đáng, do các sự kiện đang diễn ra tại nước này "đặt ra mối đe dọa thực sự với an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia Trung Á, Tổng thư ký CSTO, đại tướng Stanislav Zas, cho biết.
Tuy nhiên, không phải đề nghị can thiệp nào của các nước thành viên cũng được CSTO chấp thuận. Liên minh từng từ chối điều lực lượng tới Kyrgyzstan để kiềm chế xung đột giữa hai sắc tộc Kyrgyz và Uzbek năm 2010, cũng như bác yêu cầu hỗ trợ của Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan tại khu vực Nagorno Karabakh mùa thu 2020.
Giới chuyên gia cho rằng quyết định nhanh chóng điều lính gìn giữ hòa bình tới hỗ trợ Kazakhstan đối phó bạo loạn cho thấy Nga và Belarus nhiều khả năng lo ngại các cuộc biểu tình quy mô lớn tại nước này có nguy cơ gây tác động lớn hơn, đặc biệt nếu chúng được truyền cảm hứng hoặc nước ngoài ủng hộ.
Roy Allison, chuyên gia về Nga và quan hệ Á - Âu tại Trường Khoa học Kinh tế Chính trị London, nhận định CSTO là minh chứng cho xu hướng "kết nhóm để bảo vệ lẫn nhau".
Dù bề ngoài là một tổ chức quân sự, CSTO có vai trò lớn hơn trong bảo vệ chính phủ các nước thành viên bằng cách thúc đẩy "văn hóa tương tác, mối gắn kết theo giá trị và đoàn kết chính trị tập thể" trong khu vực, Allison cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post, RT)